Đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động trong KKT Dung Quất: Một vấn đề bức xúc

09:08, 05/08/2011
.

(QNg)- Theo báo cáo kết quả điều tra lao động, việc làm tại các xã, vùng phụ cận có liên quan trong KKT Dung Quất, số hộ sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn (có 11.364 hộ/22.127 hộ trên địa bàn, chiếm 51,36%). Như vậy công tác chuyển đổi ngành nghề ở các hộ dân trong KKT theo hướng công nghiệp và dịch vụ còn thấp sau hơn 14 năm hình thành và phát triển KKT Dung Quất.
 

Hiện nay tỉnh ta đã hoàn thành chương trình phổ cập trung học cơ sở. Nhưng theo số liệu thống kê tại KKT Dung Quất vẫn còn 6.311/34.459 người trong nhóm tuổi từ 13-35 đã hết học nhưng chưa tốt nghiệp cấp 2 (18,31%); có 16.005/25.672 người trong nhóm tuổi từ 18-35 đã hết học nhưng chưa tốt nghiệp cấp 3 (62,34%), như vậy mặt bằng trình độ văn hoá của nhân dân trên địa bàn chưa cao. Để lực lượng lao động này trong tương lai là nguồn nhân lực có chất lượng cao làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong KKT thì cần phải tổ chức các lớp bổ túc văn hoá, gắn với việc đào tạo hướng nghiệp dạy nghề tại các trường nghề trong tỉnh.
 
Lao động học nghề may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp đào tạo.
Lao động học nghề may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp đào tạo.

Nhóm tuổi từ 18-35 có 8.727/25.672 người đã và đang được đào tạo (34,1%); độ tuổi lao động từ 18-55 có 9.836/44.640 người đã và đang được đào tạo (22,3%), quá thấp so với tỉ lệ chung của toàn quốc (khoảng 28%). Như vậy chất lượng lao động dân cư trên địa bàn KKT chưa cao, nên cần được đào tạo nghề cho lực lượng lao động còn lại, nhằm từng bước góp phần nâng số lao động có tay nghề làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn đạt 85% (theo Nghị quyết của tỉnh) để đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Theo số liệu thống kê từ các doanh nghiệp, có gần 12.000 lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trong KKT Dung Quất (lao động có hộ khẩu tại Quảng Ngãi chiếm 77,8%, riêng lao động có hộ khẩu tại Bình Sơn chiếm tỉ lệ 59%), ngoài ra còn có trên 3.000 lao động làm việc trong các lĩnh vực xây dựng và dịch vụ.

Thực tế lao động trong KKT đã có bước chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, nhất là lao động trẻ. Lao động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ lao động trong sản xuất nông nghiệp giảm xuống, Qua thực tế điều tra cho thấy, đời sống, thu nhập và việc làm của nhân dân trong KKT Dung Quất còn nhiều khó khăn, chưa ổn định, nhất là những hộ gia đình bị di dời giải toả, bị thu hồi đất, gia đình già neo đơn thiếu sức lao động.

Theo thống kê, lao động trong độ tuổi 18-55 có 44.087 người, có việc làm thường xuyên là 26.927 người (61,08%), có việc làm không thường xuyên là 9.185 người (20,83%), chưa có việc làm 4.326 người (9,81%). Riêng nhóm tuổi từ 18-35 có số người chưa  có việc làm là 3.986 người (15,64%). Như vậy, tỉ lệ lao động chưa có việc làm cao so với mặt bằng chung của toàn quốc (4,9%); lao động làm việc trái ngành nghề đào tạo chiếm 20%.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển KKT Dung Quất, thời gian qua Nhà nước mới tập trung và chú trọng nhiều đến việc bồi thường, giải toả nhằm giao đất kịp thời cho dự án; còn thực tế chính sách "hậu tái định cư" chưa được quan tâm đúng mức. Đây là một trong những vấn đề bức xúc mà Đảng bộ, chính quyền cần đặc biệt quan tâm, sớm có giải pháp đồng bộ để đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vùng dự án.

Mới đây Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ về đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động thuộc các hộ dân nhường đất cho các dự án trong Khu kinh tế . Tại Hội nghị, lãnh đạo các xã Bình Thuận, Bình Đông, đã phản ánh không ít các dự án đã ra quyết định thu hồi đất cách đây 4-5 năm, nhưng vẫn "treo", trong khi người dân  lại không có đất sản xuất.

Thiết nghĩ BQL KKT Dung Quất cần làm việc với các doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động có kế hoạch ưu tiên tiếp nhận lao động trong vùng (phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp) và nên có ít nhất 60% lao động làm việc tại các doanh nghiệp là người có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Ngãi (trừ các dự án sử dụng lao động đặc thù). Đối với chủ đầu tư đến đăng ký đầu tư phải có thoả thuận về ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư.          
          
  HẢI YẾN

.