Những nông dân năng động làm giàu

03:03, 02/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xuất phát điểm khó khăn, song bằng ý chí và nghị lực vượt khó, anh Lê Tấn Cường (42 tuổi), ở thôn 4, xã Đức Tân (Mộ Đức) và bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (54 tuổi), ở thôn Liên Trì Đông, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) vẫn kiên trì làm giàu trên mảnh đất quê hương.
 
[links()]
 
Nhận thấy mảnh đất đồi của gia đình không thể mang lại nguồn thu nhập khá từ trồng trọt, do đó sau thời gian dài học hỏi kinh nghiệm trên Youtube và tìm hiểu kỹ thị trường, anh Lê Tấn Cường đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen. Anh Cường cho hay, nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều thời gian, chi phí, nhưng phải nắm rõ đặc tính của ốc. Trong quá trình nuôi, cần chú ý thay nước, dùng chế phẩm sinh học để vệ sinh, xử lý đáy hồ định kỳ. Thức ăn của ốc bươu chủ yếu là lá mì, lá khoai, bèo cám, hoặc có thể tận dụng nguồn phế phẩm rau, củ, quả ngoài chợ, nhưng phải chú ý rửa sạch và không để thừa thức ăn của ốc nhiều ngày liền trong hồ, nếu không ốc sẽ nhiễm bệnh.
 
Anh Lê Tấn Cường, ở thôn 4, xã Đức Tân (Mộ Đức), có nguồn thu nhập khá từ mô hình nuôi ốc bươu đen.
Anh Lê Tấn Cường, ở thôn 4, xã Đức Tân (Mộ Đức), có nguồn thu nhập khá từ mô hình nuôi ốc bươu đen.
Không chỉ chú trọng đến chất lượng của sản phẩm, anh Cường còn chủ động liên kết với các hộ chăn nuôi ốc bươu để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ, nên trại ốc của anh không phải lo đầu ra. Đến nay, sau hơn 2 năm gầy dựng mô hình này, anh Cường đã nhân rộng diện tích lên 200m2. Bình quân mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí, anh Cường có thu nhập khoảng 6 triệu đồng từ việc bán ốc bươu thương phẩm và ốc giống.
 
“Năng động, quyết đoán" là nhận xét của nhiều người khi nói về bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Bà Nhung mạnh dạn từ bỏ nghề thợ may đã gắn bó hơn 20 năm để chuyển sang thực hiện mô hình chăn nuôi. Với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, bà Nhung đã triển khai nuôi nhím, gà đông tảo, thỏ, chim trĩ và chồn hương. Bà Nhung chia sẻ, không có kinh nghiệm, lẫn kiến thức trong chăn nuôi, nên trước khi bắt tay vào nuôi con vật nào, tôi đều chịu khó đến trực tiếp những cơ sở chuyên nuôi con vật đó để học hỏi, ứng dụng thực tế vào mô hình của mình. Trải qua quá trình nuôi đa dạng nhiều loài động vật, tôi nhận thấy nuôi chồn hương mang lại lợi nhuận cao nhất, nên quyết định gắn bó với mô hình này.
 
Đến nay, sau hơn 8 năm triển khai mô hình nuôi chồn hương, bà Nhung đã nhân rộng đàn lên số lượng 70 con, trong đó có 20 con đang giai đoạn sinh sản. Bà Nhung cho biết, nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, có thể tận dụng làm một lúc nhiều việc. Hơn nữa, chi phí nuôi chồn hương lại rất thấp, chỉ cần cho ăn một bữa trong ngày. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mỗi năm, bà Nhung thu về hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi chồn hương. Ngày càng có nhiều khách hàng đặt mua con giống, nên sắp tới bà Nhung sẽ tiếp tục đầu tư chuồng trại, nhân rộng đàn chồn hương và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp nông dân làm giàu.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hiệp Lê Văn Tình cho biết, dù khởi nghiệp với nghề chăn nuôi lúc tuổi không còn trẻ, nhưng bà Nhung đã năng động, mạnh dạn đầu tư vào vật  nuôi có giá trị kinh tế cao. Chính quyết tâm làm giàu, không ngại thất bại đã giúp bà Nhung gặt hái được quả ngọt. Bà Nhung là tấm gương để những nông dân khác noi theo, không ngại đổi mới, thay đổi tư duy phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 

.