Ngành nuôi biển: Còn nhiều rào cản

10:03, 14/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng, là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này đang gặp nhiều rào cản...
 
[links()]
 
Nhiều điểm nghẽn
 
Hiện nay, cái khó trong việc triển khai thực hiện cũng như thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển chính là chưa có quy hoạch vùng nuôi, hoặc quy hoạch chồng chéo. Vì vậy, chính quyền địa phương không xác định rõ vùng có thể phát triển nuôi biển, dẫn đến lúng túng trong việc giao các khu vực biển cụ thể cho người nuôi. Đơn cử như Công ty TNHH Super Trường Phát Minh Quang đề xuất địa điểm để nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án nuôi trồng thủy sản tại khu vực biển phía nam đình làng An Hải (Lý Sơn), với diện tích mặt nước 6ha, quy mô 70 lồng. Phạm vi đề xuất thực hiện dự án của DN phù hợp với Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, giai đoạn 2015 - 2025 trên địa bàn huyện Lý Sơn. Tuy nhiên, đến nay khu vực trên thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nên chính quyền địa phương không được cấp phép.
 
Mô hình nuôi cá mú trân châu trên biển tại phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Mô hình nuôi cá mú trân châu trên biển tại phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Hay như đề xuất của DN thực hiện dự án mô hình Trang trại nuôi biển công nghiệp bằng bè composite FRP và HDPE tại khu vực phía tây Hòn Bồng Than, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần nuôi biển trên 2.400m2 và trang trại nuôi biển công nghiệp khoảng 50ha. Theo ý kiến đánh giá của các sở liên quan và UBND TP.Quảng Ngãi, dự án phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, cũng như định hướng về tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy, hải sản hiện có. Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở VH-TT&DL, thì khu vực Hòn Bồng Than được định hướng là điểm kết nối với Khu du lịch Mỹ Khê và đang được nhà đầu tư tiến hành khảo sát (theo Quyết định số 919/QĐ-UBND ngày 8/6/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu Khu du lịch Mỹ Khê - tỷ lệ 1/2000).
 
Giám đốc Công ty TNHH Super Trường Phát Minh Quang Đỗ Ngọc Vinh cho biết, hầu hết khu vực biển ở Quảng Ngãi là biển hở, nên việc xác định địa điểm đáp ứng các điều kiện về nuôi trồng và quy hoạch rất khó khăn. Ngoài ra, việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và việc giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân nuôi biển liên quan đến nhiều sở, ngành và địa phương, dẫn đến nhiều ý kiến “vênh” nhau, thủ tục thực hiện chồng chéo khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.
 
Cần có giải pháp tháo gỡ 
 
Theo Luật Thủy sản, các dự án nuôi trồng thủy sản phải nằm trong vùng được quy hoạch. Nhưng quy hoạch không gian biển chưa được phê duyệt, nên cơ quan chức năng cũng chưa có cơ sở xác định rõ vùng có thể phát triển nuôi biển trong phạm vi từ 6 hải lý trở vào bờ nhưng không ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho rằng, trước mắt cần hoàn thiện các quy hoạch liên quan, làm cơ sở để giao mặt nước cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi biển theo Luật Thủy sản. Trong đó, ưu tiên cho những trường hợp đang nuôi thủy sản lồng bè gần bờ, hoặc ngư dân chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản.
 
Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 1/3/2023 của UBND tỉnh), năm 2023, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tập trung thực hiện việc lựa chọn, khảo sát đặc điểm, điều kiện tại các khu vực có tiềm năng nuôi biển trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển. Tuy nhiên, nuôi biển yêu cầu công nghệ và quy trình kỹ thuật cao, dẫn đến chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi bài bản, tỉnh cần ban hành cơ chế khuyến khích người nuôi chuyển đổi vật liệu (từ lồng bè gỗ truyền thống sang composite FRP và HDPE) gắn với cơ cấu và bố trí lại vùng nuôi.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

 


.