(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu xuân, các cảng cá trên địa bàn tỉnh tấp nập tàu thuyền ra vào. Những chiếc tàu đầy ắp hải sản mang lại niềm vui cho ngư dân, giúp họ càng thêm phấn khởi bước vào vụ khai thác mới.
[links()]
Trúng lộc biển
Từ tết Nguyên đán đến nay, ngư dân tại các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) liên tục trúng đậm cá cơm. Chia sẻ niềm vui về những chuyến biển bội thu ngay từ đầu năm, ngư dân Phạm Thạch, ở xã Tịnh Kỳ phấn khởi nói, từ Mùng 5 tháng Giêng đến nay, cá cơm xuất hiện dày đặc ở vùng biển ven bờ của Quảng Ngãi. Trong một đêm chúng tôi chỉ đi cách bờ chừng 10 hải lý là đã đánh bắt được từ 3 - 7 tấn cá cơm. Từ mùng 5 - 10 tháng Giêng, giá cá cơm dao động từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, tàu của tôi thu được gần 100 triệu đồng chỉ sau một ngày đêm đánh bắt. Còn từ sau ngày 10 tháng Giêng đến giờ, giá cá cơm hạ còn 10 - 12 nghìn đồng/kg, nhưng bù lại sản lượng cá cơm đạt cao nên ngư dân phấn khởi.
|
Thương lái thu mua cá cơm tại cảng Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU |
Tại phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), trong 10 ngày qua, gần 20 tàu đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân địa phương lần lượt cập cảng Mỹ Á để bán hải sản, với sản lượng bình quân mỗi tàu từ 2 - 3 tấn cá ngừ, cá kiếm, cá thu. “Đầu năm mới, tôi vươn khơi chuyến đầu tiên đã gặp được lộc biển là luồng cá ngừ sọc dưa, vàng vây với trọng lượng mỗi con từ 3 - 5kg. Sau 3 ngày đánh bắt, tàu của tôi thu được hơn 2 tấn cá ngừ. Đầu năm, giá cá ngừ đạt mức 60 - 70 nghìn đồng/kg, tôi thu về hơn 150 triệu đồng”, ngư dân Ngô Thanh Phong, ở phường Phổ Quang, phấn khởi chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, gỡ “thẻ vàng” thủy sản không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp, mà là trọng trách chung của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương và quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những hạn chế, nỗ lực cùng với cả nước chấm dứt khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài trước ngày 30/6/2023. Riêng Sở NN&PTNT khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng liên quan điều tra, xác minh nguyên nhân tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS trên biển. Qua đó, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm túc những trường hợp có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản. |
Trúng lộc biển, lại thêm hải sản các loại được thương lái thu mua ngay tại cảng với giá khá cao so với cùng kỳ mọi năm nên đã tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. “Những năm trước, giá cá phèn thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán từ 170 - 180 nghìn đồng/kg đối với cá đạt trọng lượng 2 lạng/con. Còn năm nay, nửa tháng qua giá cá ở mức 230 - 250 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng chục năm trở lại đây.
Giá cá tăng cao nên ngư dân có được nguồn thu khá. Từ mùng 4 tháng Giêng đến nay, tôi đã tranh thủ đi được 4 chuyến biển”, ngư dân Huỳnh Ngon, ở phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ), cho biết. Còn ngư dân Nguyễn Thành, ở xã Đức Minh (Mộ Đức) cho hay, giá cá ngân bán tại tàu cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 20 nghìn đồng/kg, mực nang có giá cao hơn 30 - 40 nghìn đồng/kg. Ngư dân bãi ngang xem đây là niềm vui lớn, bù lại quãng thời gian thất thu trước tết Nguyên đán do biển động liên tục.
Cùng với ông Thành, nhiều ngư dân làm nghề đánh bắt ven bờ ở xã Đức Minh cũng liên tục đánh bắt trúng đậm cá ngân, mực nang và cá trích.
Hồ hởi vươn khơi
Vừa trở về sau chuyến biển xuyên Tết, ngư dân Huỳnh Văn Định, ở phường Phổ Quang hối hả kiểm tra máy móc, ngư lưới cụ, vệ sinh phương tiện, nạp nhiên liệu, chuẩn bị lương thực, thực phẩm để tiếp tục xuất bến. Ông Định cho biết, sau 20 ngày bám biển xuyên Tết, tàu của tôi cập cảng với gần 14 tấn cá ngừ sọc dưa và cá ngừ vàng vây. "Cá bán được giá, anh em bạn tàu phấn khởi vì thu nhập cao. Mọi người vui xuân muộn với gia đình 3 ngày rồi tranh thủ vươn khơi nhân lúc trời yên biển lặng", ông Định nói.
|
Ngư dân neo tàu tại cảng Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) vận chuyển đá, thực phẩm chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: M.HOA |
Ngư dân Huỳnh Tấn Minh, ở xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) cũng tất bật vệ sinh tàu cá và hoàn thành một số thủ tục để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Ông Minh cho biết, tàu cập cảng Tịnh Kỳ để bán gần 4 tấn cá chuồn và cá ngừ đại dương vào sáng 6/2, anh em bạn biển nghỉ ngơi vài ngày, sau đó tiếp tục chuyến biển mới. Hiện giờ nguồn cung ít, giá bán ổn định nên ai cũng tranh thủ vươn khơi, tàu tôi sẽ xuất bến đi khai thác hải sản ở Trường Sa.
Ngay sau tết Nguyên đán, hàng trăm tàu công suất lớn của ngư dân trong tỉnh đã nổ máy vươn khơi khai thác hải sản tại các vùng biển truyền thống, chủ yếu là Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1 và vịnh Bắc Bộ. Không khí tại các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Sa Kỳ (Bình Sơn), Mỹ Á và Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) nhộn nhịp, tấp nập. Đặc biệt là, sau chuyến “mở biển” rộn ràng, nhiều tàu cá hành nghề lưới vây, lưới rê, chụp mực, câu cá hố... đều trúng lộc biển, thu nhập cao nên ngư dân hồ hởi vươn khơi mang theo kỳ vọng “biển yên sóng lặng, tôm cá đầy khoang” trong mùa biển mới.
Trưởng ban Quản lý Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa Bùi Văn Khôi cho biết, tàu cá vươn khơi xuyên Tết, tàu cá tham gia đoàn xuất quân “mở biển” dịp Tết tấp nập trở về trong niềm vui hải sản đầy khoang, giá bán tăng cao. Ngay sau khi cập cảng bán sản phẩm, một số chủ tàu và lao động chỉ nghỉ ngơi một ngày rồi khẩn trương nhập vật tư, nhiên liệu để tiếp tục vươn khơi. Đồng hành cùng ngư dân, chúng tôi tích cực hướng dẫn giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảng nhanh gọn.
Quyết tâm gỡ “thẻ vàng”
Toàn tỉnh có 4.552 tàu cá, trong đó có 3.214 tàu có chiều dài từ 15m trở lên cùng hàng chục nghìn ngư dân, lao động tham gia khai thác hải sản trên biển. Ý thức của ngư dân được xem là yếu tố quan trọng trong hành trình gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU). Vì vậy, trước mỗi chuyến biển, ngoài kiểm tra các thủ tục liên quan, lực lượng chức năng tại các cảng cá đến từng tàu, gặp từng chủ tàu, thuyền trưởng và lao động để tuyên truyền về các quy định chống IUU. Qua đó, giúp ngư dân hiểu và chấp hành các quy định chống IUU trong quá trình khai thác hải sản trên biển, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài và bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) 24/24 giờ.
|
Ngư dân kiểm tra lại ngư lưới cụ tại cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), vào sáng ngày 7/2/2023, để chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: Ý THU |
Ngư dân Nguyễn Thành Thắng, ở xã Tịnh Kỳ cho biết, nếu gỡ “thẻ vàng”, ngư dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Do vậy, chúng tôi nhắc nhở nhau phải chấp hành nghiêm túc các quy định trong quá trình khai thác hải sản. "Đối với việc lắp VMS cho tàu cá, trước đây chúng tôi nghĩ việc này sẽ làm lộ ngư trường, nhưng từ khi sử dụng mới biết VMS giúp ích rất nhiều. Chẳng hạn đôi lúc mãi đuổi theo luồng cá, dẫn đến việc tàu cá vượt ranh giới trên biển. Nhờ thiết bị VMS nên cơ quan chức năng theo dõi, phát tín hiệu cảnh báo, giúp ngư dân tránh được lỗi khai thác bất hợp pháp", ông Thắng nói.
Ngày 2/2, tại khu vực cảng Sa Kỳ, Sở NN&PTNT tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thủy sản của người và tàu cá khi xuất, nhập bến; tình trạng kẹp chì của thiết bị VMS tàu cá. Văn phòng kiểm soát nghề cá tỉnh cũng bố trí lực lượng tại các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền để kiểm tra, nhắc nhở ngư dân, cũng như theo dõi, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm trong quá trình xuất, nhập cảng. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, với những tàu cá chưa đảm bảo các điều kiện, ngành chức năng kiên quyết không cho xuất bến; hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân thực hiện đầy đủ các thủ tục. Đồng thời, nhắc nhở ngư dân cam kết chấp hành báo cáo khai thác hải sản, góp phần đưa nghề cá đi vào nền nếp, phát triển ổn định và hiệu quả.
M.HOA - Ý THU