Vùng nuôi trồng thủy sản Xuân An dần khởi sắc

02:12, 19/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từng bị bỏ hoang vì tôm nuôi dịch bệnh triền miên, nhưng nay vùng chuyên canh nuôi tôm sú ở thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) đã được hồi sinh...
 
[links()]
 
Bội thu sau nhiều năm thiệt hại
 
Chưa năm nào, người nuôi trồng thủy sản tại thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) vui mừng như năm nay. Sau nhiều năm liên tục lỗ vốn, huề vốn do tôm nuôi liên tục gặp dịch bệnh, người dân cuối cùng cũng có niềm vui khi thủy sản nuôi trồng năm nay vừa được mùa, vừa được giá.
 
Người dân thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) chăm sóc tôm nuôi để kịp phục vụ thị trường dịp Tết.
Người dân thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) chăm sóc tôm nuôi để kịp phục vụ thị trường dịp Tết.
Vừa thu hoạch và bán được 80 triệu đồng từ hồ nuôi tôm sú kết hợp cá dìa, ông Phạm Trò (66 tuổi), ở thôn Xuân An chia sẻ, nuôi thủy sản từ năm 2001, nhưng năm nay là năm gia đình tôi nuôi đạt hiệu quả nhất. Những năm trước, nhất là các năm 2017, 2018, hồ nuôi tôm của gia đình tôi liên tục gặp dịch bệnh. Có năm tôm vừa thả xuống đã chết sạch, khiến tôi không thu lại được đồng vốn nào.
 
Theo ông Trò, nghề nuôi tôm sú trong hồ đất có chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Ông chỉ bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua tôm giống, thêm khoảng gần 20 triệu đồng tiền thức ăn cho tôm. Vậy mà vụ này, ông thu về lợi nhuận gần gấp 3 lần chi phí sản xuất. Riêng cá dìa, ông chưa xuất bán mà để lại chờ bán trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
 
Cùng chung niềm vui với ông Trò, gia đình ông Huỳnh Tiến Lên (65 tuổi), ở thôn Xuân An (xã Tịnh Hòa) cũng vừa thu về hơn 100 triệu đồng từ hồ nuôi tôm sú kết hợp cá đối rộng 4 sào của gia đình mình. "Tôi chọn thả thưa để tôm, cá sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh. Đồng thời, mua cá từ các tàu giã cào với giá rẻ để mang về băm nhỏ ra làm thức ăn cho cá, tôm. Không cho ăn thức ăn công nghiệp, nên tôm sú tại hồ được thương lái ưa chuộng. Sau hơn 4 tháng thả nuôi, tôm trong hồ đạt kích cỡ 20 - 25 con mỗi ký và tôi bán với giá 400 - 450 nghìn đồng/kg. Riêng cá đối, cứ 3 con đạt trọng lượng 1kg thì bán giá 100 nghìn đồng", ông Lên chia sẻ.
 
Khôi phục vùng nuôi 
 
Nhạy bén phát triển nghề nuôi tôm sú ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, vùng đất ngập nước dọc sông Sa Kỳ, với tổng diện tích gần 30ha, thuộc thôn Xuân An từng là vùng nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Song, từ năm 2001 - 2015, các hồ nuôi tôm tại đây liên tục gặp dịch bệnh khiến không ít gia đình lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ. Dù vậy, người dân và ngành chức năng vẫn không tìm được hướng khắc phục, khiến tình trạng bỏ hoang hồ, không sản xuất trở nên phổ biến tại Xuân An.
 
"Đến năm 2016, sau khi Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh thực hiện thành công mô hình trình diễn nuôi tôm kết hợp cá đối tại địa phương - mô hình được xem là giải pháp giúp cải thiện chất lượng nước hồ nuôi, hạn chế dịch bệnh trên con tôm, đã mở ra cho người dân địa phương hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản. Người dân bắt đầu quay trở lại với nghề nuôi trồng bằng mô hình nuôi tôm, cá kết hợp", Trưởng thôn Xuân An Nguyễn Dưỡng cho biết.
 
Theo ông Dưỡng, thời điểm năm 2016, vùng nuôi trồng thủy sản của Xuân An chỉ còn khoảng 1/3 diện tích duy trì hoạt động nuôi trồng, thì đến nay, toàn bộ các hồ nuôi trồng thủy sản đều đã được người dân khôi phục sản xuất. Nuôi tôm sú kết hợp cá đối, cá dìa, cua xanh đang là hướng đi được hơn 100 hộ nuôi trồng thủy sản ở Xuân An áp dụng để hồi sinh những hồ tôm hoang hóa.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.