Hồi sinh làng gốm trăm năm

03:12, 18/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù có thời gian dài tồn tại trong chật vật, nhưng nay làng gốm Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) đã dần khởi sắc. Điều ấy là nhờ sự nỗ lực và tư duy nhạy bén của những nghệ nhân nơi đây.
[links()]
 
Nghề truyền thống có trên 300 năm
 
Nhiều người cao tuổi tại xã Phổ Khánh cho biết, từ thời nhà Nguyễn, nghề gốm đã bắt đầu xuất hiện. Theo thời gian, nghề gốm dần phát triển hơn. Và khắp Phổ Khánh, đi đâu người ta cũng bắt gặp hình ảnh chiếc nồi đất phơi mình dưới ánh nắng vàng. Cứ chiều xuống, màu khói lam từ những lò gốm lại nhẹ nhàng ôm lấy khung trời làng quê Phổ Khánh.
 
Nhờ đưa máy móc vào sản xuất nên sản phẩm gốm Phổ Khánh đảm bảo chất lượng hơn.                  Ảnh: Hương An
Nhờ đưa máy móc vào sản xuất nên sản phẩm gốm Phổ Khánh đảm bảo chất lượng hơn. Ảnh: Hương An
Không sắc sảo như gốm Bát Tràng, không màu mè như gốm Bình Dương, gốm Phổ Khánh mộc mạc như con người nơi đây. Những sản phẩm gốm ở Phổ Khánh chỉ là gốm được tạo hình và mang đi hầm (nung) rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Thế nhưng từ nhiều thế kỷ trước, gốm Phổ Khánh được ưa chuộng chẳng kém gì sản phẩm của những làng nghề khác. Tại miền Trung, nhiều địa phương đã trở thành “khách ruột” của làng gốm Phổ Khánh.
 
Bà Nguyễn Thị Cảnh, ở thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh chia sẻ, nghề gốm này đã có từ lâu đời, là nghề truyền thống của gia đình. Ông bà truyền lại cho cha mẹ, cha mẹ truyền lại cho tôi, rồi lớp con mình tiếp tục duy trì.
 
Sau năm 1975, gốm Phổ Khánh độc tôn tại các địa phương phía nam tỉnh Quảng Ngãi. Thương lái từ hai đầu nam- bắc nườm nượp đổ về các lò gốm ở đây. Kho gốm chẳng bao giờ trống, lò gốm đỏ lửa cả ngày đêm và người thợ làm chẳng ngơi tay. Việc mua bán diễn ra nhộn nhịp. 
 
Nhưng khi đất về tay nông dân, người ta sợ đào lấy đất sét làm gốm sẽ ảnh hưởng đến việc gieo trồng. Do đó, nguồn nguyên liệu làm gốm trở nên khan hiếm. “Đất làm gốm phải sạch, không có cát, sạn thì mình mới chuốt được cái nồi đẹp. Mà ở đây thì chỉ có lấy đất ở Mộ Đức, sông Vệ là chính”, bà Cảnh chia sẻ.
 
Thiếu nguyên liệu sản xuất, cộng thêm sản phẩm bằng nhựa, inox... chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm gốm ở Phổ Khánh không còn được ưa chuộng như trước nữa. Làng gốm dần đìu hiu. Cả chủ và thợ đều đau đáu tìm cách cứu làng gốm, nhưng vẫn bế tắc.
 
Người dân xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) miệt mài giữ nghề gốm truyền thống của địa phương.                 Ảnh: Hương An
Người dân xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) miệt mài giữ nghề gốm truyền thống của địa phương. Ảnh: Hương An
Không thể nuôi sống bản thân và gia đình bằng nghề gốm, nhiều người đã khăn gói vào phương nam mưu sinh. Chỉ còn một số ít người chật vật giữ nghề.
 
Hồi sinh làng gốm
 
Đi qua thời bao cấp, nhà hàng, khách sạn... mọc lên như nấm sau mưa. Tại những nơi này, khách hàng thích thú với những món ăn nấu trong những chiếc nồi đất. Đặc biệt là những món ăn đặc trưng của Quảng Ngãi như cá bống kho tiêu. Họ nhận ra, cơm niêu ngon hơn cơm nấu bằng nồi điện. Bánh xèo phải đúc bằng khuôn đất mới ngon. Và ai nấy đều quen với việc sắc thuốc bằng ấm đất... Vì thế, nhiều người đã trở lại làng gốm Phổ Khánh để đặt hàng. Từ đó, làng gốm có cơ hội phục hưng. Nhưng khi có điều kiện đưa gốm trở lại thị trường, làng gốm lại thiếu đi bàn tay của những người thợ.
 
Sản phẩm gốm Phổ Khánh. Ảnh: Hương An
Sản phẩm gốm Phổ Khánh. Ảnh: Hương An
Đứng trước vấn đề nan giải ấy, lớp trẻ tại Phổ Khánh đã dày công nghiên cứu để tìm hướng giải quyết. Anh Lê Phương Nam, ở thôn Trung Sơn và anh Nguyễn Tấn Hợp, ở thôn Vĩnh An (xã Phổ Khánh) là những người đã hồi sinh làng gốm. Trong đó, anh Hợp đã khăn gói vào Bình Dương tìm hiểu mô hình làm gốm bằng máy. Đây chính là bước đầu để làng gốm có thể hồi sinh.
 
Nam 2016, anh Hợp đã đưa máy móc về tại lò gốm của gia đình để thử nghiệm. Sử dụng nguyên lý xoay của chiếc chầy (bàn xoay) truyền thống, dùng điện để chầy tự quay, dùng khuôn thạch cao để tạo hình sản phẩm. Những chiếc nồi đất được tạo ra đều tăm tắp. Năng suất một người làm việc bằng ba so với trước kia. Bởi trước kia làm thủ công, một ngày chỉ cho ra được khoảng 80 - 100 sản phẩm. Trong khi đó, từ 4 giờ sáng, người thợ đã phải bắt tay vào làm. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất gốm đã giúp giảm thời gian tạo ra sản phẩm, tăng năng suất. Đặc biệt, sản phẩm đẹp và chất lượng hơn trước kia. Áp dụng mô hình sản xuất mới trong 2 năm, anh Hợp đã tạo nên thương hiệu gốm An Khánh.
 
Trong khi đó, anh Lê Phương Nam tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng quyết định bỏ phố về quê nối nghiệp cha. Cùng áp dụng mô hình hiện đại, gốm tại lò của anh Nam tuy chưa có tên, nhưng sản phẩm tiêu thụ rất mạnh. Bên cạnh việc sản xuất bằng máy, anh Nam còn nhận hàng của một vài hộ còn làm thủ công để bán giúp. Tuy vất vả, nhưng anh Nam hạnh phúc vì giữ gìn được nghề truyền thống của gia đình. “Nghề này của cha ông truyền lại. Tôi sinh ra đã trúng ngay cục đất, nên hiểu hết về nó rồi, chỉ cần làm nữa thôi. Tôi còn giữ được nghề ngày nào sẽ cố mà giữ. Bao giờ khách hàng quay lưng thì mới tính đường khác”, anh Nam cười nói.
 
Hiện nay, tại xã Phổ Khánh có hai lò gốm lớn, hoạt động sôi nổi là lò gốm An Khánh của anh Hợp và lò của anh Nam. Thu nhập tuy không cao, nhưng với họ, còn giữ được nghề truyền thống là điều rất đỗi tự hào. Cùng với anh Hợp và Nam, những người con Phổ Khánh, dù trẻ hay già, đều tâm huyết và quyết chí giữ nghề. “Nghề gốm không chỉ giúp gia đình có thu nhập, mà còn tạo công ăn việc làm cho mọi người ở quê, nên vợ chồng tôi quyết tâm gìn giữ", chị Huệ, vợ anh Hợp, tâm sự. 
 
Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực và tư duy nhạy bén của những người trẻ ở Phổ Khánh là liều thuốc tái sinh cho làng gốm. Giữ làng nghề cũng là giữ cho văn hóa Phổ Khánh tồn tại. Hiện nay, ngoài việc duy trì làng gốm, người dân nơi đây còn đang nghiên cứu để xử lý khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
Thế là, qua hồi bĩ cực, làng gốm Phổ Khánh nay đã thay áo mới và ngày càng khởi sắc. Con đường phát triển của làng gốm đã rộng mở...
 
Đăng ký sản phẩm OCOP 
 
Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Phạm Kim Oanh cho biết, trước kia, Phổ Khánh có hàng trăm hộ gắn bó với nghề gốm. Nhưng hiện nay, chỉ còn 2 cơ sở lớn của anh Hợp và anh Nam, cộng thêm 4 hộ làm thủ công. Xã đang định hướng phát triển, vận động người dân giữ nghề và đăng ký sản phẩm gốm Phổ Khánh cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là nghề truyền thống đã có trên 300 năm, cũng là một bộ phận của Văn hóa Sa Huỳnh, nên giữ gìn nghề gốm cũng là chung tay để bảo vệ nét văn hóa của quê hương mình.
 
HƯƠNG AN

.