(Báo Quảng Ngãi)- Giá cát làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc diện "Nhà nước quản lý giá", nhưng trên thực tế thì vẫn cao hơn so với giá được cơ quan chức năng công bố. Do đó, tỉnh cần sớm có giải pháp kiểm soát hiệu quả.
[links()]
Theo giá công bố của Sở Xây dựng, trong quý III/2022, giá cát xây dựng dùng cho bê tông và vữa được xác định tại mỏ cát thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hợp Nghĩa xấp xỉ 155 nghìn đồng/m3; tại mỏ cát thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quốc Tiến gần 137 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, giá cát xây dựng thực tế trên thị trường được tập kết đến chân công trình mà người dân, tổ chức phải trả dao động từ 300- 400 nghìn đồng/m3, tùy từng địa bàn. Những tháng cuối năm, khi dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2, đoạn qua Quảng Ngãi và 23 dự án tái định cư phục vụ dự án này khởi công, thì giá cát làm vật liệu xây dựng thông thường được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Cát xây dựng được tập kết tại bờ sông Vệ, thuộc xã Đức Nhuận (Mộ Đức), vào tháng 8/2022. Ảnh: T.NHỊ |
Theo kế hoạch đấu giá các mỏ cát trên sông Trà Khúc, thuộc địa bàn TP.Quảng Ngãi và 2 huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, năm 2022 sẽ đưa vào đấu giá 7 mỏ, với tổng trữ lượng khoảng 400 nghìn mét khối/năm. Ngoài ra, UBND tỉnh còn đang xem xét đưa vào đấu giá mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến khoảng 3,5 triệu mét khối, thời hạn khai thác trong 10 năm, bình quân trữ lượng khai thác 350 nghìn mét khối/năm. Tuy nhiên, theo tính toán của Sở Xây dựng, tổng sản lượng cát của các mỏ nói trên chỉ mới đạt khoảng 750 nghìn mét khối/năm, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Hồng cho biết, qua khảo sát, giai đoạn 2021 - 2022, toàn tỉnh dự kiến tiêu thụ khoảng 1,5 triệu mét khối/năm, song thực tế chỉ được cho phép khai thác 250 nghìn mét khối/năm, còn thiếu hơn 1,2 triệu mét khối/năm. Từ năm 2023 - 2025, Sở Xây dựng dự báo nhu cầu cát xây dựng sẽ tăng lên, dao động ở mức 1,7 - 2 triệu mét khối/năm. Hiện nay, các chủ mỏ khai thác đều vượt công suất nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó dẫn đến tình trạng khai thác cát lậu, khai thác sai giấy phép diễn ra triền miên và mặc dù có ngăn chặn nhưng vẫn chưa có điểm dừng. Giá cát xây dựng cứ vào mùa cao điểm, đặc biệt những tháng cuối năm lại biến động tăng cao.
"Để ổn định thị trường cát xây dựng, giải pháp là đưa vào đấu giá kịp thời các mỏ cát nằm trong kế hoạch. Ngoài đấu giá các mỏ trên sông Trà Khúc, các địa phương cần khảo sát, đề xuất đấu giá các mỏ cát tại địa bàn để tăng nguồn cung cho thị trường. Thời gian qua, một số địa phương làm rất tốt việc này, nhưng cũng còn một vài nơi chưa quan tâm. Đơn cử như huyện Bình Sơn, công trình rất nhiều, vậy mà trong năm 2022, Sở Xây dựng đề nghị 4 lần bằng văn bản, yêu cầu nghiên cứu, đề xuất mỏ, nhưng huyện không có ý kiến gì", ông Hồng nói.
T.NHỊ