(Báo Quảng Ngãi)- Việc quản lý bến cá tư nhân và kiểm soát tàu cá trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động tàu cá và ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
[links()]
Nhiều tàu cá cập bến tư nhân
Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.300 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, nhưng chỉ có 1/3 tàu cập vào 4 cảng chỉ định gồm Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) để bán sản phẩm. Số tàu còn lại cập cảng ngoài tỉnh, hoặc về bến tư nhân để bán cá, nạp tổn, sau đó đến cảng cá chỉ định để làm thủ tục xuất, nhập bến.
Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết, tàu công suất lớn khai thác xa bờ chỉ cập cảng chỉ định khi chủ tàu có nhu cầu xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác phục vụ xuất khẩu, hoặc để neo đậu, tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Còn phần lớn tàu cá chọn cập bến tư nhân để bán sản phẩm, nạp nhiên liệu, nhu yếu phẩm để vươn khơi.
Chính vì vậy, năm 2021, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1.846/7.842 lượt tàu cá xuất bến được kiểm tra (23,5%) và 1.417/7.663 lượt tàu cá nhập bến được kiểm tra (18,5%). Trong 9 tháng năm 2022, chỉ có 1.432/10.057 lượt tàu cá xuất bến được kiểm tra (14,3%) và 1.405/6.876 lượt tàu cá nhập bến được kiểm tra (20,5%).
|
Cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) là một trong 4 cảng cá chỉ định, tuy nhiên cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu nghề cá. |
Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hoạt động tàu cá, mà còn khiến sản lượng thủy sản khai thác qua các cảng được kiểm tra, giám sát quá thấp, dẫn đến việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc theo quy định của IUU chưa đảm bảo.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn lý giải, cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chỉ định của tỉnh đang xuống cấp, quá tải, không đảm bảo cho các tàu công suất lớn cập cảng để nạp tổn, bán sản phẩm. Thậm chí, tại Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), luồng bị bồi lấp, trụ neo gãy từ năm 2020 đến nay, nhưng vẫn chưa được khắc phục, khiến tàu thuyền ra vào khó khăn, nguy hiểm.
Cần có sự thống nhất trong quản lý
Quy định của Luật Thủy sản năm 2017 không bắt buộc tàu có chiều dài dưới 15m cập cảng chỉ định, nên hầu hết số tàu này đều cập bến tư nhân để bán sản phẩm, nạp nhiên liệu, thậm chí là neo đậu và tránh trú bão.
Đối với tàu có chiều dài từ 15m trở lên, dù Luật Thủy sản 2017 bắt buộc thuyền trưởng phải tuân thủ các thủ tục khi cập cảng chỉ định, nhưng nhiều trường hợp tìm cách né tránh.
Ngư dân N.T.T, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) phân trần, nếu cập cảng chỉ định, thuyền trưởng phải thông báo với ban quản lý cảng cá trước 1 giờ để họ kiểm tra thiết bị giám sát hành trình và nhiều loại giấy tờ, thủ tục khác.
Nếu không đảm bảo thì không cho tàu cập cảng. Vậy nên nếu không cần xác nhận nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác, thì tôi đưa tàu về bến tư nhân để việc thu mua hải sản thuận lợi hơn.
Được Sở NN&PTNT phân quyền theo dõi, giám sát tàu cá qua cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát hành trình tàu cá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Chi cục Thủy sản tỉnh, Văn phòng Kiểm soát nghề cá tỉnh có trách nhiệm kiểm tra các thủ tục, đối chiếu hành trình khai thác thủy sản của tàu cá trong dữ liệu hệ thống giám sát với nhật ký khai thác thủy sản.
Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, hay bị cảnh báo vi phạm thì đơn vị sẽ báo cáo lực lượng chức năng xử lý. Còn tại các bến cá tư nhân, công tác quản lý và kiểm soát còn bất nhất, chồng chéo giữa các địa phương, đơn vị, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
|
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu thuyền, đảm bảo xuất nhập cảng nhằm nâng cao hiệu quả nghề cá. |
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh và Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh, bến cá tư nhân do chính quyền địa phương cấp giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể, nên cơ quan này phải trực tiếp quản lý và giám sát. Còn chính quyền các địa phương thì cho rằng, bến cá tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tàu thuyền, thu mua, chế biến thủy sản... nên trách nhiệm quản lý thuộc về các ngành giao thông vận tải, nông nghiệp và Bộ đội Biên phòng.
Tăng cường kiểm soát tàu cá
“Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền các địa phương lập danh sách cụ thể, đầy đủ thông tin những tàu cá thường xuyên ra, vào từ các bến cá tư nhân đi khai thác trên biển. Qua đó, phối hợp với lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố ven biển kiểm soát chặt chẽ số phương tiện này, tuyệt đối không cho các tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập bến. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất giải pháp quản lý hoạt động của các bến cá tư nhân theo hướng thống nhất và hài hòa, không ảnh hưởng đến công tác kiểm soát tàu thuyền cũng như chống khai thác IUU của tỉnh”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh TRẦN PHƯỚC HIỀN |
Kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảng của tàu cá, nhất là tại các khu vực bãi ngang của tỉnh là một trong những nội dung quan trọng trong chống khai thác IUU.
Với đặc thù bãi ngang dài và rộng, nên rất dễ xảy ra tình trạng ngư dân cập tàu vào các khu vực này để bán hải sản, vừa không đảm bảo an toàn, vừa vi phạm quy định IUU.
Chính vì vậy, thời gian qua, văn phòng kiểm soát nghề cá ở các cảng cá và các trạm kiểm soát biên phòng đã phối hợp tăng cường kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng gắn với giám sát số lượng, chủng loại hải sản khai thác.
Qua đó, kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý những tàu cá không cập cảng chỉ định để tránh nộp phí, thuế...
Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh Đoàn Thanh Long cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các trạm kiểm soát biên phòng cử cán bộ thường xuyên nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc các quy định về xuất, nhập cảng; ghi nhật ký khai thác hải sản; báo cáo khai thác cũng như vận hành thiết bị giám sát tàu cá; hướng dẫn thuyền trưởng cách dò tần số khi tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên biển không may gặp sự cố cần trợ giúp. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, không có tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn nhiều phương tiện tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm. Vì vậy, cùng với tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, lực lượng bộ đội biên phòng kiên quyết không giải quyết các thủ tục xuất bến với các tàu này.
Trước khi tàu cá xuất, nhập bến thì các thông tin về chủ tàu, nghề khai thác, số hiệu tàu được đơn vị nắm bắt, kiểm soát chặt chẽ và thông báo với tổ thanh tra của Chi cục Thủy sản tỉnh để kiểm tra.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, các lực lượng chức năng cần nhất quán trong quá trình thực hiện các thủ tục kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng; tránh trường hợp ngư dân thay đổi thuyền viên, tắt thiết bị giám sát hành trình hoặc không đáp ứng các điều kiện nhưng vẫn được xuất, nhập bến.
Theo đó, chỉ tàu cá nào được Văn phòng Kiểm soát nghề cá cấp biên bản rời cảng thì mới được trạm kiểm soát biên phòng xác nhận vào sổ danh bạ thuyền viên. Điều này vừa giúp lực lượng chức năng phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, vừa chấn chỉnh những chủ tàu chưa đảm bảo các điều kiện, thủ tục nhưng có ý “trốn” để xuất bến.
Ngoài ra, khi tàu cá nhập cảng để bán sản phẩm, các đơn vị phải cử người đến giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đảm bảo hiệu quả trong truy xuất nguồn gốc phục vụ chống khai thác IUU.
Bài, ảnh:
MỸ HOA