(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, các huyện miền núi trong tỉnh bước vào vụ trồng rừng chính của năm 2022. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng cây giống vẫn luôn là nỗi lo của người dân.
[links()]
Mùa cao điểm trồng rừng
Mùa trồng rừng chính bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Anh Đinh Văn Ôn, ở xã Sơn Giang (Sơn Hà) đã tập trung nhân lực xuống giống 2ha keo. “Ngay sau khi thu hoạch vụ keo trước, gia đình tôi chủ động phát dọn thực bì, đào hố và chuẩn bị các vật tư lâm nghiệp khác để bắt tay trồng rừng vụ mới. Nhờ cây keo mà đời sống kinh tế của nhiều gia đình khấm khá hơn", anh Ôn chia sẻ.
Các chủ vườn ươm chuẩn bị cây giống để bán ra thị trường. |
Để đáp ứng nhu cầu cây giống trong vụ trồng rừng mới, nhiều tháng qua, các doanh nghiệp, chủ vườn ươm, cơ sở sản xuất giống đã tập trung sản xuất, mở rộng diện tích ươm giống hoặc nhập cây giống từ các tỉnh như Bình Định, Quảng Nam để cung cấp cho thị trường. Cây giống chủ yếu là cây keo lai giâm hom thuộc các dòng AH7, AH1, BV73, BV75... với tổng số lượng khoảng 140 triệu cây.
Tăng cường quản lý chất lượng cây giống
Theo các chủ vườn ươm trên địa bàn tỉnh, năm nay nhu cầu cây keo giống trên thị trường tăng mạnh so với mọi năm, nên giá keo giống tăng cao. Cụ thể, keo giâm hom được các chủ vườn ươm bán sỉ với giá 950 đồng/cây, bán lẻ 1.100/cây (tăng 250 - 350 đồng/cây); keo gieo hạt có giá 500 đồng/cây (tăng 200 đồng/cây) so với mùa trồng rừng năm trước.
Bà Phạm Thị Mười, chủ một vườn ươm cây giống ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) chia sẻ, từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều người đến hỏi mua keo giống. Có người mua với số lượng lớn, từ 70 - 80 nghìn cây, để vận chuyển đi tiêu thụ ở các huyện miền núi trong tỉnh và ở tỉnh Quảng Nam. Do nhu cầu keo giống tăng cao, nên nhiều chủ vườn ươm không đủ cung cấp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có trên 370 doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ sở sản xuất cây giống (chủ yếu là keo lai giâm hom). Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất giống có đăng ký sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp, đa số là các hộ gia đình làm tự phát theo nhu cầu của thị trường.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết, công tác quản lý giống cây lâm nghiệp được thực hiện theo Nghị định số 27/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ sở sản xuất giống phải công bố tiêu chuẩn giống cây trồng lâm nghiệp do mình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, hoặc tiêu chuẩn cơ sở trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia.
Thời gian tới, ngành kiểm lâm sẽ phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA