Thương mại, dịch vụ: Cơ hội tăng trưởng cao những tháng cuối năm

12:09, 26/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19 khiến lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng âm, hiện hoạt động thương mại, dịch vụ đã bắt đầu khởi sắc và hứa hẹn sẽ tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm.
 
[links()]
 
Dấu hiệu khởi sắc
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Công thương đã triển khai hoạt động kích cầu thương mại với nhiều chương trình kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm, giao thương được tổ chức, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường. Cụ thể như, Hội chợ công nghiệp thương mại Quảng Ngãi năm 2022 cấp tỉnh và các hội chợ cấp huyện; hội nghị kết nối giao thương với tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; Hội chợ giao thương tại Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. 
 
Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra hàng hóa tại chợ Quảng Ngãi.                     Ảnh: T.N
Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra hàng hóa tại chợ Quảng Ngãi. Ảnh: T.N
Để hỗ trợ sản phẩm của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đến với người tiêu dùng, Sở Công thương đã tổ chức 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại huyện Nghĩa Hành và Bình Sơn; 3 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” tại các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, TX.Đức Phổ; tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt tại các huyện Minh Long, Trà Bồng và Lý Sơn... Từ đó đã tạo ra nhiều cơ hội trong ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của Quảng Ngãi.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 ước đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, bằng 77,7% kế hoạch năm, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 33,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 33,5%; du lịch ước đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 99,8% và dịch vụ tiêu dùng khác 3.000 tỷ đồng, tăng 20,9%. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2022 ước đạt 1,533 tỷ USD, tăng 27,9% so với  cùng kỳ năm trước và bằng 82,4% kế hoạch năm.
 
Theo Cục Thống kê, từ nay đến cuối năm, dự kiến thương mại, dịch vụ sẽ có sự tăng trưởng mạnh, với mức tăng dự báo khoảng 6%. Từ đó sẽ kéo theo sự tăng trưởng của các lĩnh vực khác, đóng góp quan trọng vào tổng mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh.
 
Tăng cường kiểm soát thị trường
 
Thời gian qua, những diễn biến phức tạp trên thế giới đã làm đứt gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Đặc biệt, việc giá dầu tăng cao đã kéo theo hàng loạt các chi phí sản xuất, vận chuyển tăng, làm cho giá cả các loại hàng hóa tăng mạnh. Đến khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, giá cả các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân vẫn không có dấu hiệu giảm. Để đảm bảo vận hành ổn định, giảm nguy cơ lạm phát của nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách điều tiết, cụ thể như giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu... Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt giữ bình ổn giá cả, nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.
 
Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Võ Minh Tâm cho biết, hiện Cục Quản lý thị trường tỉnh đã lên kế hoạch tập trung đấu tranh ngăn chặn nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn trong dịp cao điểm cuối năm. Trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm, nơi tập trung nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ đầu mối, chợ có quy mô lớn và các khu vực phân phối số lượng lớn hàng hóa về các địa phương trong tỉnh. Lực lượng quản lý thị trường đã và đang tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các cơ sở kinh doanh; tiến hành kiểm tra và hậu kiểm tại các cơ sở kinh doanh đã ký cam kết bình ổn thị trường, nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa những tháng cuối năm. Ngoài kiểm tra định kỳ, kiểm tra có thông báo trước, việc kiểm tra đột xuất sẽ được tăng cường, để xử lý những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng cấm.
 
                 THANH NHỊ
 
 
 

.