Tháng hành động chống khai thác IUU

06:09, 28/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hệ lụy của “thẻ vàng” khiến việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu gặp khó khăn trong suốt gần 5 năm qua. Sắp đến, thị trường Mỹ cũng sẽ áp dụng chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vì vậy, nếu không gỡ được “thẻ vàng” trong năm 2022, ngành thủy sản cũng như ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
 
[links()]
 
Nhận thức của một bộ phận ngư dân về IUU chưa cao; việc xử lý vi phạm để thực hiện IUU có sự bất nhất giữa các địa phương; chính quyền các địa phương chưa quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, dẫn đến việc kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác chưa đạt yêu cầu... Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến quá trình gỡ “thẻ vàng” thủy sản gặp nhiều trở ngại.
 
Những bất cập cần khắc phục 
 
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 cũng như khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), thuyền trưởng tàu cá từ 12m trở lên phải mang và viết nhật ký khai thác hải sản hằng ngày trong suốt hành trình vươn khơi. Nhật ký khai thác thủy sản được ghi bằng bản giấy có chữ ký của thuyền trưởng. Nếu là nhật ký điện tử thì phải có mã định danh theo từng tàu cá, do đơn vị cung cấp thiết bị cài đặt và số thứ tự chuyến biển trong năm tự động cập nhật. Trước khi tàu cập cảng, sổ này phải được nộp cho lực lượng chức năng tại các cảng cá để kiểm tra. 
 
Nghề lưới kéo là nghề cấm phát triển, nên một số chủ tàu cố tình không thực hiện đăng ký đăng kiểm.
Nghề lưới kéo là nghề cấm phát triển, nên một số chủ tàu cố tình không thực hiện đăng ký đăng kiểm.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều ngư dân không mang theo nhật ký khai thác hải sản khi vươn khơi đánh bắt, mà để sổ này ở nhà cho vợ, con chép lại. Điều này dẫn đến tình trạng “vênh” thông tin giữa sổ nhật ký khai thác hải sản với Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia. Nhiều ngư dân lý giải, hoạt động trên biển liên tục nên khó duy trì việc viết nhật ký hằng ngày. Lực lượng chức năng khẳng định, nhận thức của ngư dân về chống IUU chưa cao. Ngư dân biết rõ hoạt động của tàu cá trên biển đều được giám sát và quản lý qua Hệ thống giám sát tàu cá Quốc gia, nên những thông tin liên quan đến tàu cá như vị trí, tọa độ, ngày, giờ... đều được cập nhật trên hệ thống này, việc chép lại sẽ không chính xác.
 
Chính phủ đã ban hành Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030. Mục tiêu đến năm 2025 là cắt giảm 10% hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; 100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả. Các địa phương xây dựng phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác thiếu chính xác, trong khi đây là một trong những nội dung quan trọng quyết định đến việc gỡ “thẻ vàng” IUU. Thực hiện khuyến nghị này, từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ NN&PTNT liên tục kiểm tra và công bố danh sách cảng cá ở các tỉnh, thành phố ven biển được chỉ định để xác định nguồn gốc thủy sản khai thác. Tại các cảng cá được chỉ định, luôn có lực lượng liên ngành túc trực, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác thủy sản IUU. Điều này khiến một bộ phận ngư dân né tránh, chuyển sang cập bến tư nhân để bốc dỡ hàng hóa. Hoặc tàu cá từ tỉnh này chạy sang tỉnh kia để cập cảng bốc dỡ hàng hóa, bán sản phẩm. Xảy ra hiện tượng này là do sự bất nhất trong việc kiểm tra, xử lý cũng như xác định nguồn gốc thủy sản khai thác của lực lượng chức năng tại cảng cá các tỉnh.

 
Ngư dân N.T.V, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cho rằng, cũng là cảng cá chỉ định nhưng thủ tục xác định nguồn gốc thủy sản khai thác tại cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) đơn giản, gọn nhẹ, thậm chí những tàu không đủ thủ tục cũng có thể xuống cá tại cảng này. Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, lực lượng chức năng tại các cảng cá Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) khắt khe, không cho tàu cập cảng bốc dỡ hàng hóa nếu thủ tục không đầy đủ.
 
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, chính vì thực trạng “nơi khắt khe, chỗ lỏng lẻo” nên không thể kiểm soát được sản lượng khai thác, dẫn đến không thể truy xuất được nguồn gốc thủy sản. Điều này khiến EC đánh giá thấp nỗ lực thực hiện các khuyến nghị, dẫn đến việc gỡ “thẻ vàng” gặp rất nhiều khó khăn. Sở NN&PTNT đã báo cáo thực trạng và kiến nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp chấn chỉnh. 
 
Siết chặt quản lý, đầu tư hạ tầng
 
Toàn tỉnh hiện có 76 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương, nhưng chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong số này có những chủ tàu cố ý "nằm vùng" ngoài tỉnh nhằm đánh bắt vi phạm IUU. Để ngăn chặn tình trạng này, Sở NN&PTNT thường xuyên trao đổi thông tin về số lượng tàu cá với các tỉnh, trong đó cung cấp danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định IUU. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương xác minh, nắm chắc thông tin về các tàu cá này để có giải pháp xử lý căn cơ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 63 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm). Có 1.130 tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản, trong đó có 768 tàu cá (chiều dài từ 6m đến dưới 15m) và 362 tàu cá (từ 15m trở lên). Nguyên nhân là do tàu cá còn thiếu các điều kiện để cấp giấy phép khai thác thủy sản như đăng kiểm, đăng ký, thuyền trưởng, máy trưởng; chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
 
Ông Hồ Trọng Phương cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tàu cá, góp phần phục vụ nhiệm vụ gỡ "thẻ vàng" thủy sản, thời gian đến, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý tàu cá theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên biển. Nếu chủ các tàu cá này không thực hiện nghiêm túc việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm. Nếu tàu cá nào đã đăng ký nhưng không còn tồn tại trên thực tế, thì tiến hành các thủ tục xóa tên tàu cá trong Sổ đăng ký tàu cá Quốc gia ra khỏi hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia.
 
Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) xuống cấp, chưa đáp ứng các quy định về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu.
Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) xuống cấp, chưa đáp ứng các quy định về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu.
Hiện nay, hầu hết các cảng cá, cảng neo trú tàu cá của tỉnh chưa đồng bộ, thiếu trang thiết bị để bốc dỡ hàng hóa, chưa đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng như phòng, chống cháy, nổ. Vì vậy, để thực hiện thành công chiến lược chuyển từ nghề cá nhân dân sang hiện đại thì các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh cần đầu tư đồng bộ để tăng năng lực tiếp nhận tàu cá cập cảng, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cũng như nâng cao hiệu quả kiểm soát, quản lý hoạt động của tàu cá trên địa bàn.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, không có tàu cá vi phạm IUU, mà chỉ có người điều khiển chiếc tàu đó vi phạm. Như vậy, mấu chốt của sự vi phạm là con người. Ngành chức năng phải tuyên truyền, vận động để không chỉ ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng mà cả đầu nậu, thương lái hiểu rõ hệ lụy của IUU đến cuộc sống của bản thân, gia đình. Qua đó cùng nhau ngăn ngừa, khắc phục IUU, cũng như tạo sự thay đổi trong việc khai thác và thu mua theo hướng có trách nhiệm, hướng tới lợi ích lâu dài, nhằm phát triển nghề cá bền vững.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.