Kiên trì khởi nghiệp

09:09, 29/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khởi nghiệp không phải chỉ dành riêng cho người trẻ tuổi, mà tất cả mọi người đều có thể tham gia nếu thực sự đam mê và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Trường hợp của anh Trần Vạn Vương (30 tuổi), ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) và  bà Bùi Thị Lang (50 tuổi), ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) là những điển hình như thế.
 
[links()]
 
Khởi nghiệp từ nuôi trùn quế
 
Anh Trần Vạn Vương (30 tuổi), ở thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa (Mộ Đức) tham gia khởi nghiệp với mô hình nuôi trùn quế. Sau khi tốt nghiệp ngành xây dựng dân dụng, Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 (TP.Hồ Chí Minh), anh Vương có việc làm ổn định theo đúng ngành đã học. Sau một thời gian, anh Vương nhận ra niềm đam mê với mô hình nông nghiệp sạch nên anh xin làm thêm tại trang trại. Cũng chính từ đây, anh Vương có cơ hội biết đến nghề nuôi trùn quế làm phân hữu cơ.
 
Anh Trần Vạn Vương triển khai hiệu quả mô hình nuôi trùn quế.  Ảnh: TRUNG ÂN
Anh Trần Vạn Vương triển khai hiệu quả mô hình nuôi trùn quế. Ảnh: TRUNG ÂN
Với tiềm năng phát triển nông nghiệp tại địa phương, cuối năm 2020, anh Vương quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua bò và 2 tấn trùn quế giống về nuôi trên diện tích hơn 400m2 tại vườn nhà. “Quá trình chăn nuôi bò, lượng phân bò bỏ đi nếu được tận dụng lại để sản xuất phân thì đó là nguồn lợi rất lớn, trả lại nguồn hữu cơ sạch cho đất”, anh Vương chia sẻ. 
 
Anh Vương nuôi trùn quế kết hợp với trồng cỏ nuôi bò, lấy phân bò nuôi trùn quế, lấy trùn quế làm thức ăn nuôi chim trĩ. Phân trùn quế bón cho cỏ nuôi bò, đồng thời cung cấp ra thị trường. Thức ăn chủ yếu của trùn quế là bùn bã hữu cơ như phân trâu, bò. Trong phân trùn quế có các axit đa trung vi lượng giúp cho cây trồng phát triển tốt, cải tạo đất và giữ ẩm. Do đó, phân trùn quế được rất nhiều hộ gia đình và các trang trại trồng rau sạch sử dụng. 
 
Mô hình nuôi trùn quế kinh phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn dễ kiếm, giá thành rẻ, đặc biệt chỉ cần đầu tư giống một lần rồi nhân giống liên tục. Mỗi tháng anh Vương xuất bán khoảng 5 tấn phân trùn quế, với giá khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các trang trại rau sạch, cơ sở trồng hoa kiểng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên.
 
Hiện trang trại của anh Vương có hơn 200 con chim trĩ. Anh Vương lấy trùn quế làm thức ăn cho chim trĩ. Với việc nuôi chim trĩ bằng trùn quế đã giảm 50% chi phí thức ăn và có nhiều chất đạm nên chim lớn nhanh, sức đề kháng tốt. Đặc biệt, cách nuôi này đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Thông thường chim trĩ nuôi từ 6 tháng có thể bán thương phẩm và 8 tháng là đẻ trứng. Chim thịt giá từ 200 - 250 nghìn đồng/kg; trứng 10 nghìn đồng/quả. Anh Vương bán chủ yếu cho các nhà hàng, cửa hàng cháo dinh dưỡng và cung cấp trứng cho khách hàng ở Hà Nội, Đà Nẵng... 
 
"Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại thêm 500m2, xây dựng thương hiệu sản phẩm phân trùn quế hữu cơ. Cùng với đó, giúp đỡ thanh niên mong muốn phát triển kinh tế từ mô hình nuôi trùn quế”, anh Vương bộc bạch.
 
Phó Bí thư Đoàn xã Đức Hòa Lê Đình Luân cho biết, mô hình nuôi trùn quế của anh Vương là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên xã Đức Hòa. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu cho trùn quế đều sẵn có tại địa phương, góp phần rất lớn trong việc giảm thải ô nhiễm môi trường từ phân của động vật. Đoàn xã Đức Hòa sẽ tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan và nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế.
 
Thành công nhờ sự kiên trì  
 
Mỗi ngày, bà Bùi Thị Lang (50 tuổi), ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thức dậy từ lúc 2 giờ sáng. Bà Lang chuẩn bị nguyên liệu để nấu bún bò, rồi chở đến một quán cà phê ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) để bán. Bà bắt đầu một ngày làm việc tất bật với công việc bán bún.
 
Bà Bùi Thị Lang, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) có thu nhập khá nhờ mở quầy bán bún bò.             Ảnh: Bảo Hòa
Bà Bùi Thị Lang, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) có thu nhập khá nhờ mở quầy bán bún bò. Ảnh: Bảo Hòa
Bà Lang bán bún bò tại quán cà phê từ tháng 8/2022 sau hơn 30 năm mưu sinh tại TP.Hồ Chí Minh. Khi mới 17 tuổi, bà Lang đã vào TP.Hồ Chí Minh mưu sinh. Ban đầu, bà Lang gánh chè đi bán dạo trên các tuyến đường. Sau đó, bà học cách nấu bún riêu, rồi tự nấu bún riêu đi bán. Ngày đầu tiên bán bún riêu với số vốn 14 nghìn đồng, bà bán được 10 nghìn đồng, lỗ 4.000 đồng. Vài hôm sau, gánh bún riêu bán có tiền lãi. Từ gánh hàng đi bán dạo, bà xin được vị trí bán hàng tại một góc đường ở quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Mỗi ngày bà bán một món ăn, thay đổi để thực khách không bị ngán như bún bò, bún mắm, mì vịt, gà tiềm, bún riêu...
 
Nhờ gánh bún vỉa hè ở TP.Hồ Chí Minh giúp bà Lang có tiền nuôi con ăn học. Đến năm 2019, người con lớn đã có công việc ở quê, mong muốn mẹ về quê nghỉ ngơi. Với tính siêng năng, bà Lang chẳng chịu nghỉ ngơi, xin đi làm tạp vụ tại các trung tâm, phòng khám... Công việc tính theo giờ, nên mỗi ngày bà Lang làm hết nơi này rồi tranh thủ đến nơi khác làm việc. Dù vậy, bà vẫn mong muốn tìm được mặt bằng để mở quán bún, duy trì công việc đã từng làm từ bấy lâu nay.
 
Trong lúc làm tạp vụ, nghe bà Lang chia sẻ ý định muốn tìm mặt bằng mở quán bún bò, trong khi quán cà phê cần đồ ăn sáng phục vụ khách, vậy là quầy “Bún bò cô Loan” tại quán cà phê ra đời. Bà Lang cho biết,  mỗi ngày bán được 40 - 50 tô bún. So với chi phí tìm mặt bằng, một mình đứng ra lo liệu rồi tìm khách hàng thì việc kết hợp với quán cà phê đỡ tốn kém chi phí, tiết kiệm công sức, thời gian. Mỗi lần có khách gọi điện đến đặt mua bún bò, nhân viên của quán cà phê đi giao hàng. Bà Lang chia sẻ, bán bún bò tại quán cà phê, buổi chiều tôi có thời gian rảnh để đi làm tạp vụ cho một số nơi. 
 
Người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé này hằng ngày tất bật với công việc, chẳng chịu nghỉ ngơi. Với bà, còn sức khỏe là còn tiếp tục lao động, đó là nghề để mưu sinh và cũng là niềm vui trong cuộc sống. 
 
BẢO HÒA - TRUNG ÂN
 
 
 

.