Quảng bá, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng

07:07, 08/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp đưa hàng hóa, nhất là các sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương đến với người tiêu dùng trong khu vực và cả nước.
 
[links()]
 
Kết nối giao thương
 
Từ đầu năm đến nay, ngành công thương Quảng Ngãi đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản của địa phương kết nối giao thương tại các chương trình trong khu vực và DN nước ngoài. Qua đó, góp phần phát triển kênh tiêu thụ các sản phẩm vùng, miền một cách ổn định, bền vững.
 
Sản phẩm đặc trưng của huyện Ba Tơ tham gia Phiên chợ hàng Việt huyện Lý Sơn - năm 2022.
Sản phẩm đặc trưng của huyện Ba Tơ tham gia Phiên chợ hàng Việt huyện Lý Sơn - năm 2022.
Tại Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương DN Nhật Bản năm 2022, do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Công thương tổ chức (tháng 5/2022), đã có rất nhiều sản phẩm của Quảng Ngãi tham gia, tiếp cận người tiêu dùng Tây Nguyên. Trong đó có các sản phẩm của Công ty CP Đường Quảng Ngãi; gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT; nước mắm cao cấp của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Mười Quý; quế và các sản phẩm tinh chế từ quế của Công ty TNHH MTV Hương Quế Trà Bồng; sản phẩm nấm của HTX Nấm Đức Nhuận; bò khô của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thu Ba; các sản phẩm hành tỏi Lý Sơn, mật ong, mạch nha...
 
Trong chuỗi sự kiện khởi động mùa lễ hội du lịch, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022, tái hiện sinh động các giai đoạn phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Sở Công thương Quảng Ngãi đã vận động 12 DN, HTX, hộ sản xuất sản phẩm nghề, nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và khởi nghiệp sáng tạo tham gia. Trong đó, có một số sản phẩm mới được người dân và du khách đặc biệt quan tâm như nước rong biển, trà rong biển, siro rong biển, nấm đông trùng hạ thảo, các sản phẩm chế biến từ nấm, rượu, quế Trà Bồng, hành tỏi Lý Sơn, giống cây trồng, nước mắm...
 
Đồng hành, phát triển
 
Tại sự kiện “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022” được tổ chức tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) giữa tháng 5/2022, Quảng Ngãi đã có 2 gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm tiềm năng và triển vọng của tỉnh, gồm: Sản phẩm của Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn và Công ty CP Đường Quảng Ngãi. Mục đích tham gia trưng bày là nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, tìm hiểu, hợp tác đầu tư tại Quảng Ngãi. Ngoài ra, cuối tháng 5/2022, rất nhiều sản phẩm của Quảng Ngãi cũng đã tham gia sự kiện "Tuần hàng Việt TP.Hà Nội lần thứ 2 - năm 2022" tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã được giới thiệu đến người tiêu dùng và có nhiều đối tác cam kết tiêu thụ sản phẩm bền vững.
 
Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại năm 2022, Quảng Ngãi đã phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương". Qua đó, các DN, HTX, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất, kinh doanh của 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi đã ký kết được 14 biên bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, đặc sản đặc trưng vùng miền.
 
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành công thương còn phối hợp với các địa phương tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt tại các huyện Minh Long, Trà Bồng và Lý Sơn, thu hút 70 DN tham gia, với 103 gian hàng tiêu chuẩn. Các phiên chợ đã thu hút khoảng 11 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm, với tổng doanh số bán hàng ước đạt 1 tỷ đồng.
 
Lồng ghép nhiều chương trình
 
Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa. Cùng với đó là thông tin diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn, đặc sản vùng miền, giúp các DN, cơ sở sản xuất định hướng hoạt động. Đồng thời, tiếp tục tổ chức kết nối kênh tiêu thụ với các DN lớn, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong khu vực và cả nước.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.