(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, việc triển khai các dự án, công trình trên địa bàn huyện Sơn Hà ngày càng thuận lợi hơn, hạn chế đến mức thấp nhất phương án cưỡng chế, bảo vệ thi công công trình.
[links()]
Có được kết quả trên là nhờ Mặt trận các cấp đã kịp thời phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn.
Ở đâu khó, có Mặt trận
Đối với việc triển khai các dự án nói chung, vấn đề khó khăn nhất vẫn luôn nằm ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây cũng là lý do khiến nhiều dự án chậm tiến độ. Tại huyện Sơn Hà, vấn đề này cũng không ngoại lệ. Đơn cử như, quá trình triển khai đầu tư xây dựng dự án Kè sông Rin (đoạn từ cầu sông Rin đến Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Hà) gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một số hộ dân không chịu nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư dự án.
Dự án Kè sông Rin, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sơn Hà Đinh Thị Đoan cho biết, dự án Kè sông Rin từng được xem là “điểm nóng” trong công tác đền bù, GPMB, khi có nhiều hộ gia đình gửi đơn thư khiếu nại lên các cấp chính quyền. Huyện cũng đã tính đến phương án cưỡng chế, nhưng nhờ sự kiên trì vận động "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" của cán bộ Mặt trận và chính quyền mà người dân dần hiểu ra và nhận tiền đền bù, bàn giao đất. Trong thời gian tới, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục phối hợp với hội, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về đền bù, GPMB, giúp các công trình, dự án của huyện sớm triển khai, đưa vào sử dụng.
Chính quyền địa phương chủ động
Đối với người dân 2 xã Sơn Linh và Sơn Giang, việc triển khai công trình cầu vượt lũ Linh - Giang là niềm mơ ước bao đời nay. Vì vậy, khi nghe thông tin cầu sắp được xây dựng, người dân nơi đây rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, khi biết có dự án lớn, với tổng mức đầu tư lên đến 120 tỷ đồng, sắp được triển khai, người dân ở các địa phương khác đã tìm đến hỏi mua đất của người dân nằm trong khu vực dự án đi qua. Trước tình trạng trên, UBND xã Sơn Linh đã kịp thời họp dân có đất ở vị trí trên để tuyên truyền cho người dân không mua bán, chuyển nhượng đất nằm trong vùng dự án.
Dự án Thủy điện Trà Khúc 1 đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. |
Tại xã Sơn Giang, diện tích đất nằm trong vùng dự án Cầu Linh - Giang ít hơn, trong đó chủ yếu là đất của UBND xã và đất sông suối nên công tác bồi thường, GPMB được triển khai khá nhanh. “Phần diện tích đất của UBND xã thì xã đã hiến cho dự án. Còn một số hộ dân có nhà cửa ở đường dẫn vào cầu, địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức họp dân để thông tin và giải đáp các thắc mắc của người dân. Đến nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện đã thông qua lần thứ 2 mức giá đền bù. Qua 2 lần tổ chức cuộc họp với người dân liên quan đến dự án này, mọi người đều đồng thuận. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là cây cầu được xây dựng càng nhanh càng tốt, giúp con em đến trường thuận lợi, người dân đi lại giao thương trong mùa mưa lũ”, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang Đỗ Văn Triều nói.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, thời gian qua, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân tại các vùng dự án, kịp thời hỗ trợ huyện tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Từ nay đến cuối năm 2022, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan tăng cường phối hợp, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thi công, phấn đấu thực hiện các công trình, dự án đạt tiến độ, giải ngân 100% vốn được giao.
"Trong quá trình triển khai các dự án, công trình, huyện sẽ nỗ lực vận động người dân nhận tiền đền bù theo đúng quy định và tự nguyện giao đất cho nhà đầu tư. Qua đó, góp phần đảm bảo tiến độ đã được phê duyệt", bà Trà nhấn mạnh.
Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GPMB ở huyện Sơn Hà vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, do chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương khi triển khai dự án. Trong đó có dự án Thủy điện Trà Khúc 1 nằm trên sông Trà Khúc, thuộc địa phận các xã Sơn Giang, Sơn Cao, Sơn Hải, Sơn Trung, Sơn Thượng và thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), do Công ty CP Thủy điện Huy Măng làm chủ đầu tư, công suất lắp máy khoảng 30MW, diện tích chiếm đất khoảng 299ha. Theo kế hoạch được duyệt, đến cuối quý IV/2022, dự án sẽ hoàn thành đền bù, GPMB; quý IV/2023 hoàn thành thi công phần xây dựng nhà máy để bàn giao lắp đặt thiết bị; quý II/2024 hoàn thành lắp đặt thiết bị và tích nước phát điện. Tuy nhiên, do ban đầu chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện Sơn Hà trong bồi thường, GPMB, làm chậm trễ trong việc thu hồi đất phục vụ thi công dự án.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường dự án Thủy điện Trà Khúc 1 và yêu cầu chủ đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện Sơn Hà xây dựng tiến độ GPMB và xử lý tài sản công bị ảnh hưởng bởi dự án. Song, hiện có một số người ở ngoài tỉnh đến mua đất của người dân trong vùng dự án để trồng cây, xây dựng công trình kiến trúc với mục đích đón đầu dự án, yêu cầu thương lượng bồi thường với giá cao. Các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất này không thông qua chính quyền địa phương, mà chỉ thỏa thuận bằng giấy viết tay giữa người bán và người mua. Chính điều này đã gây thêm nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB.
|
Bài, ảnh:
HỒNG HOA