(Báo Quảng Ngãi)- Sau 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu vượt bậc.
[links()]
Kinh tế bứt phá đi lên
Xuất phát điểm từ một tỉnh nghèo, thuần nông, ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của trung ương, cơ cấu kinh tế các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn, đến nay Quảng Ngãi đã vươn mình đi lên một cách ngoạn mục. Đặc biệt, quy mô và cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự thay đổi lớn sau khi Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đi vào hoạt động (năm 2009). Với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 97,393 nghìn tỷ đồng, quy mô nền kinh tế Quảng Ngãi hiện xếp thứ 5 trong vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (sau Thanh Hóa, Nghệ An, TP.Đà Nẵng và Quảng Nam). Trong đó, tỷ trọng đóng góp từ khu vực công nghiệp trong GRDP của tỉnh là rất lớn (36,13%), đây cũng là thế mạnh và là động lực tăng trưởng của tỉnh.
|
Khu Kinh tế Dung Quất đã và đang đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Thu |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GRDP các năm 2010 - 2021 đều đạt cao hơn rất nhiều so với các ngành dịch vụ và ngành nông nghiệp. Tương ứng, tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP các năm 2010 - 2021 cũng đạt cao: Năm 2010 đạt 27,3%; năm 2019 đạt 32,9%; năm 2020 đạt 31,4% và năm 2021 đạt 36,1%.
Đối với NMLD Dung Quất, kể từ ngày xuất bán dòng sản phẩm thương mại đầu tiên (ngày 22/2/2009), đến nay, nhà máy đã sản xuất đạt 79,59 triệu tấn sản phẩm, sản lượng tiêu thụ 79,29 triệu tấn sản phẩm các loại. Tổng doanh thu đạt trên 1,29 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 187,8 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 8,05 tỷ USD, gấp 2,68 lần tổng mức đầu tư dự án), xứng đáng là cánh chim đầu đàn của lĩnh vực công nghiệp chế biến dầu khí của Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp, năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 17,605 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,58% so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp , tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản tăng lên. Trong đó, nông nghiệp từ 68,63% giảm xuống còn 50,35%, lâm nghiệp từ 5,17% tăng lên 11,55%, thủy sản từ 26,2% tăng lên 38,1%. Đối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 93 xã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62,84%); 2 huyện (Tư Nghĩa, Nghĩa Hành) được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã đạt 16,5 tiêu chí; 63 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Riêng ngành dịch vụ - thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 đạt 52,256 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2004. Tăng trưởng giai đoạn 2005 - 2021 đạt bình quân 16,1%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD, tăng gấp 64,8 lần so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 27,8%/năm. Kim ngạch nhập khẩu năm 2021 đạt 2,656 tỷ USD, tăng gấp 504 lần so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 44%/năm.
Văn hóa - xã hội đạt được nhiều thành tựu
Trong giai đoạn 2005 - 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 10,92%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.360 USD/người/năm (khoảng 78,28 triệu đồng/người/năm). Thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt trên 31,616 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 20,1%/năm. Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,0 - 8,0%/năm; GRDP bình quân đầu người 4.200 - 4.400 USD/người/năm. Giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,5 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người 7.700 - 7.900 USD/người/năm. |
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội của Quảng Ngãi sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa IX) cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với lĩnh vực văn hóa, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại huyện Lý Sơn hàng chục năm qua đã trở thành nghi lễ tiêu biểu của cả nước. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 1 di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt; 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di tích quốc gia; 3 bảo vật quốc gia và 51 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, Quảng Ngãi cũng đã thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến năm 2021, có 89,7% hộ gia đình, 94,5% thôn, tổ dân phố và 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ thôn, khu dân cư có nhà văn hóa đạt 95,5%.
Đối với lĩnh vực GD&ĐT, Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện tốt việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 110 trường mầm non (52,6%), 127 trường tiểu học (82,47%), 131 trường THCS (72%) và 26 trường THPT (66,67%) đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng GD&ĐT từng bước được củng cố và có bước phát triển vững chắc, toàn diện hơn. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng hơn so với trước; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm tăng đáng kể.
Đối với công tác phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm cho lao động cũng được tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua các năm, đến năm 2021 đạt 59,9%. Trong 10 năm gần đây đã giải quyết việc làm cho trên 363,38 nghìn lượt lao động (bình quân 36,338 nghìn lao động/năm); đã tổ chức 233 phiên giao dịch việc làm, tạo việc làm cho hơn 85,97 nghìn người.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công đã tổ chức thực hiện tốt; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo và thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,4%; năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 6,41% và đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm xuống còn 5,35%...
Hướng đến tỉnh phát triển khá của cả nước
Phát huy những thành tựu đạt được, cũng như nhận diện rõ những thời cơ, thách thức trong giai đoạn tới, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung và đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Quảng Ngãi nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối KKT Dung Quất với các trung tâm kinh tế của vùng và cả nước, nằm trên hành lang kết nối với Lào và Thái Lan, có đường sắt Bắc - Nam, đường hàng không, đường biển với cảng nước sâu Dung Quất. Vậy nên, tỉnh có điều kiện để phát triển các dịch vụ logistics, kho bãi, hậu cần nghề cá. Đồng thời, đó cũng là tiền đề để tỉnh hình thành liên kết ngành và liên kết vùng trong công nghiệp và du lịch. Bên cạnh đó, nhờ có quỹ đất lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp của tỉnh đang dần hoàn thiện, đặc biệt là KKT Dung Quất với cảng nước sâu, nên Quảng Ngãi có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và tái cơ cấu ngành công nghiệp, cũng như hình thành chuỗi liên kết ngành, liên kết vùng và tạo sức lan tỏa của ngành dựa trên các ngành công nghiệp nền tảng như lọc hóa dầu, luyện kim.
|
Ban Chỉ huy Quân sự TP.Quảng Ngãi tặng quà cho trẻ em nghèo ở xã Nghĩa An. Ảnh: X.THIÊN |
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển. Với vị thế quan trọng trong Vùng duyên hải miền Trung, ngư trường rộng lớn, đảo tiền tiêu Lý Sơn, Quảng Ngãi có điều kiện hòa nhịp với cả nước, tập trung phát triển các ngành du lịch biển, dịch vụ logistics, nuôi trồng và khai thác hải sản.
Quan điểm phát triển của Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) của quốc gia. Tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch hợp lý, để khai thác có hiệu quả lợi thế của địa phương, phù hợp với định hướng và nghị quyết đại hội của Đảng bộ tỉnh.
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi sẽ trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững. Đến năm 2045, Quảng Ngãi sẽ là một tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các KCN và cụm công nghiệp; các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại và đặc sắc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
PHẠM DANH