Giá hàng hóa, dịch vụ biến động theo giá xăng, dầu

03:03, 11/03/2022
.
(Báo Quảng Ngfãi)- Trong 1 tuần qua, sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng thì giá hầu hết các mặt hàng, trong đó có hàng hóa thiết yếu đã tăng theo. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát để tránh tình trạng giá hàng hóa "nhảy múa", gây bất ổn cho đời sống xã hội.
[links()]
 
Giá hàng hóa biến động
 
Những ngày qua, giá cả các lương thực, thực phẩm, nhất là các loại rau, củ, quả từ ngoài tỉnh đưa về cung ứng cho thị trường Quảng Ngãi đã bắt đầu tăng giá. Giá từ chợ đầu mối đến chợ truyền thống, rồi cửa hàng bán lẻ tăng ở mức độ nhiều, ít khác nhau. Cụ thể như, rau xanh tại chợ tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại; thịt heo tăng từ 2.000 - 7.000 đồng/kg; gạo tăng giá khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg... so với tuần trước đó. Các tiểu thương cho biết, do giá xăng, dầu tăng nên cước vận chuyển tăng, dẫn đến giá hàng hóa bán ra tăng theo. Cũng viện lý do xăng, dầu tăng giá, các mặt hàng thuốc chữa bệnh, đặc biệt là kit test nhanh Covid-19 đã tăng từ 10 - 25%.
 
Các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá sau khi giá xăng, dầu tăng.  Trong ảnh: Hàng hóa được bày bán tại xã Trà Phong (Trà Bồng).
Các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá sau khi giá xăng, dầu tăng. Trong ảnh: Hàng hóa được bày bán tại xã Trà Phong (Trà Bồng).
Trên thị trường hiện đã xuất hiện tình trạng "đổ thừa" cho giá của xăng, dầu tăng để giảm giá mua hàng hóa, đặc biệt là nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Hiện giá gỗ keo, củ mì tươi đã và đang tiếp tục có chiều hướng giảm. Giá gỗ keo mua tại các xã vùng xa của huyện Ba Tơ xuống dưới 1 triệu đồng/tấn, giảm hơn trước đó từ 50 - 100 nghìn đồng/tấn. Giá củ mì tươi giảm từ 100 - 200 nghìn đồng/tấn.
 
Việc giá hàng hóa, dịch vụ tăng sau khi giá xăng, dầu tăng, nhưng nông sản làm ra bị thu mua với giá thấp hơn trước khiến nông dân đối diện với không ít khó khăn. Anh Đinh Thanh Phia, ở thôn Gọi Re, xã Ba Xa (Ba Tơ) cho biết, keo, mì đều hạ giá so với trước nhưng giá các mặt hàng nông dân cần thì đều tăng, trong đó có phân bón, gạo, dầu ăn, thịt, cá. "Giá xăng tăng, nhân công cưa keo cũng tăng. Gia đình tôi bán 1ha keo nhưng trả tiền xe, tiền công, tiền chi phí khác vừa đủ, không dư được như trước kia nữa", anh Phia nói.
 
Kiểm soát để ngăn chặn hành vi trục lợi
 
Theo đại diện các cảng biển và vận tải tàu biển tại KKT Dung Quất, giá xăng dầu tăng buộc doanh nghiệp cũng phải tăng giá dịch vụ. Nhưng khi nào sẽ tăng thì các đơn vị phải tính toán. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ giảm lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ nhẹ để giữ ổn định giá dịch vụ, tạo điều kiện để các đối tác phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ phải đàm phán lại để hài hòa lợi ích, hợp tác bền vững. Các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa tăng giá, nhưng khi giá xăng, dầu tiếp tục tăng thì phương án tăng giá dịch vụ sẽ phải áp dụng.
 
Hiện nay, giá các mặt hàng tại 2 siêu thị lớn của tỉnh là Co.opmart Quảng Ngãi và GO! Quảng Ngãi vẫn giữ ổn định. Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi Lê Hồng Ca cho biết, phần lớn hàng hóa bày bán tại Co.opmart Quảng Ngãi là đưa về từ các tỉnh, thành phố khác, chi phí vận chuyển sẽ tăng khi giá xăng, dầu tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá cũng không thể tùy tiện. Nếu đối tác muốn tăng giá phải giải trình cụ thể nguyên nhân tăng và mức tăng phải hợp lý, thời gian phải báo trước ít nhất 30 ngày thì siêu thị mới chấp nhận. Hơn nữa, từ đầu năm 2022, Co.opmart Quảng Ngãi đã ký kết với đối tác ổn định giá từ nay đến hết tháng 5/2022, nên siêu thị sẽ chưa tăng giá hàng hóa trong thời điểm hiện tại.   
 
Tăng cường kiểm tra
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, việc xăng, dầu tăng giá sẽ dẫn đến giá một số hàng hóa, dịch vụ tăng, nhưng mức tăng phải hợp lý, không thể tăng đột biến, gây khó khăn cho đời sống người dân. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nếu phát hiện tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm giả để tăng giá, trục lợi sẽ xử lý nghiêm minh.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 

.