(Báo Quảng Ngãi)- Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua ổn định, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vui Xuân, đón Tết.
[links()]
Bình ổn, an toàn
Hàng hóa thị trường Tết dồi dào, các mặt hàng tiêu dùng phong phú, nhiều chủng loại, bao bì đẹp. Cùng với đó, hạ tầng thương mại được đầu tư phát triển, với nhiều loại hình phong phú như: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... giúp người dân mua sắm thuận lợi.
|
Lãnh đạo Sở Công thương kiểm tra hàng hóa tại chợ Quảng Ngãi những ngày giáp Tết. |
Tuy nhiên, do đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên sức mua có phần giảm so với tết Nguyên đán 2021, nhưng không giảm sâu như dự báo trước đó. Sức mua dự báo chung trên thị trường giảm khoảng 30%, song thực tế tại siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi giảm 10 - 15%, siêu thị VinMart giảm 15%, chợ Quảng Ngãi giảm 5 - 7%. Riêng siêu thị GO!Quảng Ngãi sức mua tăng cao hơn mùa Tết năm trước gần 30%.
Giá các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ ở mức tương đối ổn định tại các hệ thống siêu thị trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết. Riêng tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng tươi sống, thịt gia cầm, gia súc có tăng nhẹ (10 - 30 nghìn đồng/kg), do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào 3 ngày giáp Tết (từ 27 - 29 tháng Chạp năm Tân Sửu). Tuy nhiên, đối với mặt hàng bia Heineken Silver (loại 24 lon 330ml), giá tăng cao so với ngày thường (từ 425 nghìn tăng lên 530 nghìn đồng/thùng), do khan hiếm nguồn cung cục bộ. Từ Mùng 2 - 6 tháng Giêng, các siêu thị, chợ truyền thống đã hoạt động trở lại, nên giá cả các mặt hàng thiết yếu đã trở lại bình thường.
Chú trọng dự báo, tăng cường kiểm soát khâu lưu thông
“Tình hình lưu thông các mặt hàng thiết yếu tại thị trường Quảng Ngãi trước, trong và sau Tết cơ bản ổn định, giá cả bình ổn, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Thị trường không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ, tích trữ. Việc mua sắm của người dân tại các siêu thị, hệ thống các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh tuân thủ theo khuyến cáo của ngành y tế để phòng, chống dịch Covid-19".
Giám đốc Sở Công thương
VÕ VĂN RÂN
|
Tết vừa qua, Quảng Ngãi đã chú trọng công tác theo dõi, dự báo tình hình thị trường, đảm bảo cung cầu lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Tính đến tháng 1/2022, tỉnh đã triển khai xây dựng 13 điểm bán hàng Việt cố định, với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 13 huyện, thị xã, thành phố, nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư.
Sở Công thương đã phối hợp với UBND TX.Đức Phổ, huyện Mộ Đức và TP.Quảng Ngãi triển khai xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn (có 1 điểm xã hội hóa), nhằm quảng bá, giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... Do đó, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ trên địa bàn tỉnh trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ngoài ra, công tác đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cũng được thực hiện khá tốt. Các thương nhân đầu mối, doanh nghiệp phân phối xăng, dầu đã xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng từ rất sớm, với khối lượng hàng cao hơn mọi năm, nên đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Bài, ảnh:
T.NHỊ