(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) còn góp phần tạo thu nhập ổn định cho các chủ rừng, nhất là người dân các huyện miền núi.
Được triển khai từ 2013 đến nay, chính sách chi trả DVMTR đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. “Thay đổi lớn nhất sau 8 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, là cải thiện đáng kể ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và người dân sống ở gần rừng”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đại cho biết.
Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. |
“Không chỉ giúp các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế, mà nhờ nguồn tiền DVMTR, cộng đồng dân cư có thêm nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, góp phần thực hiện và hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho biết. Cùng với việc chỉ đạo các địa phương, đơn vị chi trả tiền DVMTR công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích, huyện Trà Bồng cũng phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức xây dựng, triển khai các mô hình sản xuất dưới tán rừng, nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Không chỉ là kênh huy động các nguồn lực xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, mà chính sách chi trả DVMTR còn góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc hỗ trợ nguồn kinh phí để các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực trồng mới hơn 29.222ha rừng trong năm 2021, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,27%. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR; đồng thời, tăng cường thực hiện chính sách chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị sử dụng tài nguyên (nước, rừng) và cá nhân, tổ chức tham gia bảo vệ rừng.
“Để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục phát huy hiệu quả, ngoài nỗ lực của đơn vị, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền nội dung Luật Lâm nghiệp đến các chủ rừng, vận động các cơ sở sản xuất có liên quan tích cực tham gia, góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị.
Bài, ảnh:
THANH PHONG