Cần chiến lược mới cho hàng nông sản

03:01, 05/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với việc trên 5.000 container chở hàng nông sản đang ùn ứ ở các cửa khẩu giáp với Trung Quốc, một lần nữa gióng tiếng chuông cảnh báo về tình trạng nông sản Việt Nam vẫn đi theo lối cũ mỗi khi phía Trung Quốc đóng các cửa khẩu. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao hàng nông sản của Việt Nam vẫn chỉ tập trung phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc để rồi phải gánh chịu cảnh như trên.
[links()]
 
Nếu như những năm trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, đi lại thuận tiện thì khi hàng nông sản gặp sự cố tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, cả nước sẽ chung tay giúp sức. Từ dưa hấu, thanh long cho đến vải thiều... đã từng được cả nước giải cứu, ít nhiều giúp nông dân và người buôn hàng nông sản gỡ gạc chút đỉnh, nhưng năm nay thì tương đối khó khăn. Trên 5.000 xe container chở mít, thanh long và các các loại trái cây khác của miền Nam đang nằm chờ ở các cửa khẩu mà không lóe lên bất cứ tia hy vọng nào là sẽ được thông quan sớm.
 
Nhiều tài xế buộc phải quay đầu xe chở ngược hàng về một số chợ giáp biên giới để bán. Nhưng với 5.000 xe, mỗi xe 20 tấn thì cả trăm nghìn tấn nông sản ấy sẽ không có cách nào có thể tiêu thụ hết dù giá đã chạm đáy. 
 
Đất nước đang bước vào giai đoạn “bình thường mới” nên hàng hóa, nhất là hàng nông sản tươi đã đến thời vụ ở các tỉnh phía nam nên bắt đầu thu hoạch để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Điều đáng tiếc là, trong số hàng ngàn tài xế đang chở hàng nông sản xuất khẩu ấy chỉ cần một vài người bị dương tính với vi rút SAR-CoV-2 là lập tức toàn bộ các lô hàng có cùng địa chỉ nguồn gốc sẽ bị dừng lại. Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới đang theo đuổi chính sách “zero Covid”, tức là họ truy vết cho bằng được các F0 để loại bỏ ra khỏi cộng đồng rồi mới cho sinh hoạt bình thường, chứ không như các nước là chỉ khoanh vùng trong phạm vi hẹp. Chính vì vậy mà khi phát hiện ca F0 nào từ Việt Nam là họ siết chặt rất gắt.
 
Mới đây, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam cũng đã có các cuộc làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ việc ùn ứ nông sản này nhưng xem chừng không giải quyết được căn cốt vấn đề.
 
Tại sao chúng ta không xây dựng các nhà máy chế biến nông sản và tìm đường xuất khẩu sang các nước khác để chia sẻ rủi ro khi gặp sự cố mà cứ dồn hết một chỗ như lâu nay? Đấy là những câu hỏi cần được quản lý cấp vĩ mô giải đáp để không lặp lại tình trạng trên.
 
Trần Đăng
 

.