(Báo Quảng Ngãi)- Để thực hiện có hiệu quả khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), chính quyền các địa phương và ngành chức năng trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành việc lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong quá trình khai thác hải sản trên các vùng biển xa đối với tàu có chiều dài từ 15m trở lên.
[links()]
Chấn chỉnh những trường hợp vi phạm
Việc lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị VMS giúp lực lượng chức năng quản lý, kiểm soát, nhằm ngăn chặn kịp thời tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác hải sản. Chính vì vậy, cùng với việc tuyên truyền, vận động chủ của 567 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tiếp tục hoàn thành lắp đặt thiết bị VMS, lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Hai năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, chấn chỉnh 1.093 tàu cá mất kết nối trên biển quá 10 ngày.
Tàu cá của ngư dân cập Cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Mỹ Hoa |
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương nhấn mạnh, với những thuyền trưởng cố ý không duy trì hoạt động của thiết bị VMS trong quá trình hoạt động khai thác hải sản ở vùng khơi, thì cần xử phạt nghiêm theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP. Trường hợp hoạt động của thiết bị VMS gián đoạn do lỗi kỹ thuật, thì phải truy trách nhiệm của các đơn vị cung cấp. Có 6 đơn vị được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chỉ định việc cung ứng và lắp đặt thiết bị GSHT cho ngư dân Quảng Ngãi, gồm: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Vishipel), Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh, Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa LTRAN, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).
“Chúng tôi cam kết lắp đặt cho ngư dân đúng loại thiết bị VMS đã được Tổng cục Thủy sản cho phép, đảm bảo chức năng tự động báo cáo vị trí tần suất 2 - 3 giờ/lần về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá; kết nối đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát lắp đặt tại trung tâm... Đồng thời, hỗ trợ công tác lắp đặt và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng, vận hành, quản lý thiết bị; khắc phục, sửa chữa miễn phí lỗi thiết bị trong thời gian bảo hành 12 tháng”, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Quảng Ngãi Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Vẫn còn một số tồn tại
Theo phản ánh của một số ngư dân, sau thời gian sử dụng thiết bị VMS bị trục trặc, dây điện bị đứt... dẫn đến tín hiệu bị gián đoạn. Đơn cử như thiết bị của Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh được lắp đặt trên mui tàu, chưa đáp ứng yêu cầu về công tác cảnh báo và cảnh giới. Dù đã được ngư dân phản ánh nhiều lần, nhưng đơn vị này không khắc phục. Ông Hồ Trọng Phương cho biết, trong khi 3 đơn vị là VNPT, Viettel, Vishipel thường xuyên hỗ trợ ngư dân về kỹ thuật, sửa chữa khắc phục khi VMS bị trục trặc, thì các đơn vị còn lại chưa quan tâm đến khâu chăm sóc “hậu” lắp đặt thiết bị VMS.
Thời gian đến, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát và đánh giá chất lượng hoạt động của các thiết bị VMS, trên cơ sở đó sẽ yêu cầu các đơn vị cung cấp sản phẩm tổ chức sửa chữa, khắc phục những trục trặc của thiết bị.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương ven biển tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân quy định về việc lắp đặt và sử dụng thiết bị VMS. Nếu thiết bị VMS trục trặc, thuyền trưởng phải báo cáo ngay cho các lực lượng chức năng để có hướng giải quyết, nhằm tránh gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát phương tiện hoạt hộng nghề cá của địa phương. Đối với những tàu cá mà thiết bị VMS không duy trì hoạt động, lực lượng chức năng phát hiện hoạt động sai vùng, tuyến hoặc sai nghề so với đăng ký thì xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong số 567 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị VMS, có nhiều tàu nằm bờ, chờ thanh lý hoặc có công suất nhỏ, chỉ phù hợp sản xuất ở tuyến lộng, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục rà soát, phân loại để có hướng giải quyết phù hợp.
MỸ HOA