Nữ cán bộ làm kinh tế giỏi

03:08, 10/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đó là nhận xét của nhiều người khi nói về bà Phạm Thị Ngọc Biểu (53 tuổi), ở xã Đức Tân (Mộ Đức). Bà Biểu hiện đang công tác tại Hội Nông dân huyện Mộ Đức, nhưng vẫn luôn cần mẫn tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trồng trọt và chăn nuôi tổng hợp.
[links()]
Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của bà Biểu, chúng tôi thật sự nể phục trước nghị lực vượt khó và quyết tâm vươn lên làm giàu của người phụ nữ này. Cách đây hơn 20 năm, bà Biểu trăn trở, tìm cách vừa tham gia hoàn thành tốt công việc ở cơ quan, vừa làm nghề phụ để nâng cao thu nhập, có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.  
Bà Phạm Thị Ngọc Biểu, ở xã Đức Tân (Mộ Đức) bên vườn ổi của gia đình.
Bà Phạm Thị Ngọc Biểu, ở xã Đức Tân (Mộ Đức) bên vườn ổi của gia đình.
Với bản tính cần cù, siêng năng, bà Biểu đã cùng chồng quyết định cải tạo hơn 2ha đất gò đồi sẵn có của gia đình, để trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bà Biểu cho biết, hai vợ chồng tôi luôn suy nghĩ phải thay đổi hướng phát triển kinh tế. Có đất mà không phát huy được hiệu quả thì thật lãng phí, cuộc sống sẽ mãi khó khăn, nên chúng tôi đã tìm tòi, tham khảo thêm nhiều nơi và đã quyết định chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của gia đình, địa phương. Mỗi ngày, chỉ cần sắp xếp thời gian hợp lý, dành ra 2 - 3 tiếng đồng hồ để chăm sóc cho khu vườn, sẽ không ảnh hưởng đến công việc ở cơ quan.
 
Do đất khô cằn, nên bà Biểu đã đầu tư hệ thống tưới tự động, trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả và đã chọn ra các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất cao như ổi lê Đài Loan, mít Thái, bưởi da xanh. Từ số lượng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, bà Biểu đã nhân rộng lên trên 1.000 cây ổi, gần 150 cây bưởi và mít. Cùng với đó, để giải quyết lượng cỏ dại mọc trong vườn cây ăn quả, bà đã nuôi 5 con bò sinh sản, hơn 100 con vịt, gà gối vụ và tận dụng lại nguồn phân chuồng bón cho cây.
 
Để tạo thị trường tiêu thụ nông sản, ngoài chú trọng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, bà Biểu thường xuyên đăng tải sản phẩm lên các trang mạng xã hội, nhờ đó, giúp bà liên kết được với nhiều đầu mối thu mua ở trong và ngoài tỉnh. Bà Biểu chia sẻ: “Đầu ra là yếu tố quyết định thành bại của mô hình. Để có thị trường ổn định, tôi đã chủ động theo hướng đi mới, tạo uy tín, chất lượng cho từng sản phẩm, nên được nhiều khách hàng ưu chuộng, tôi không phải lo đầu ra. Bình quân mỗi ngày, tôi xuất bán gần 1 tạ ổi ra thị trường”.
 
Nhờ sự cần cù, chịu khó và năng động kết nối, quảng bá đầu ra, mô hình kinh tế tổng hợp của bà Biểu đã gặt hái được quả ngọt. Chỉ tính riêng việc bán ổi ra thị trường, mỗi năm sau khi trừ chi phí, bà thu về hơn 150 triệu đồng. “Không chỉ nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc chuyên môn ở cơ quan, chị Biểu còn là một người phụ nữ cần cù, năng động phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương. Với những nỗ lực ấy, chị xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều cán bộ, hội viên nông dân học tập và noi theo”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộ Đức Huỳnh Kim Tuấn cho biết.
 
Bài, ảnh: MỸ DUYÊN
 
 

.