(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình hình các loại dịch bệnh, nhất là dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện ở các địa phương trong cả nước, việc siết chặt khâu giết mổ được xem là một “mắt xích” quan trọng để phòng, chống dịch, cũng như đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với trên 430 điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ, việc quản lý và kiểm soát hiện gặp rất nhiều khó khăn...
[links()]
Vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh
Hàng chục năm nay, điểm giết mổ heo của gia đình ông N.V.S, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) là khoảnh sân nhỏ phía sau nhà, cạnh khu vực chăn nuôi, nền xi măng loang lổ. Bình quân mỗi ngày, gia đình ông S giết mổ 3 - 4 con heo, nhưng nước thải và một số chất thải được xả trực tiếp ra vườn, bốc mùi hôi thối.
Phần lớn thịt heo được bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh đều do các điểm giết mổ nhỏ lẻ cung cấp. |
“Vẫn còn nhiều điểm giết mổ gia súc “chui”, hoạt động không phép nằm rải rác ở một số xã, phường, tạo lỗ hổng cho các sản phẩm thịt gia súc không bảo đảm điều kiện an toàn “tuồn” ra thị trường”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Thuận cho biết.
Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ
Nhiều năm nay, tỉnh đã có quy hoạch các khu giết mổ gia súc tập trung, nhằm “xóa” các điểm giết mổ nhỏ lẻ; tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát thú y trước và sau khi giết mổ, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi... Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ có một cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), nhưng hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân do trang thiết bị phục vụ hoạt động giết mổ heo chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng thịt; cộng với chi phí kiểm soát giết mổ và vận chuyển cao, nên chưa thu hút được tư thương.
Trên thực tế, các điểm giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều (5 - 6 điểm/xã), lại hoạt động vào ban đêm và sáng sớm, nên nhân viên thú y xã, phường, thị trấn không thể quán xuyến hết; chính quyền các địa phương cũng chưa quan tâm đến kiểm soát hoạt động giết mổ, nên việc quản lý còn lỏng lẻo. Trong khi đó, ngành thú y không có chức năng kiểm tra tại các chợ, công tác kiểm tra phụ thuộc vào đoàn liên ngành do chính quyền các địa phương tổ chức, nên khó phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp giết mổ, buôn bán, vận chuyển thịt gia súc chưa qua kiểm soát.
Để hạn chế bệnh dịch tả heo Châu Phi, cũng như các loại dịch bệnh lây lan qua việc giết mổ, trước mắt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý và giám sát hoạt động giết mổ; cử cán bộ thú y hỗ trợ các điểm giết mổ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ gia súc trước khi đưa vào giết mổ; đóng dấu kiểm soát và giám sát hoạt động giết mổ.
“Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự trong các khu dân cư, cũng như hạn chế dịch bệnh phát sinh, nhất là dịch tả heo Châu Phi”, ông Thuận đề xuất.
Bài, ảnh: THANH PHONG