(Báo Quảng Ngãi)- Với sự cần cù, ham học hỏi, anh Võ Thế Quyền, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê Boer (Nam Phi) sinh sản và vươn lên phát triển kinh tế gia đình từ mô hình này.
[links()]
Là trình dược viên cho một công ty dược, nhưng anh Quyền lại có niềm đam mê với chăn nuôi. Sau thời gian nghiên cứu và tham quan các trại chăn nuôi lớn ở miền Nam, đầu năm 2018, anh Quyền quyết định đầu tư mô hình nuôi dê Boer sinh sản.
Anh Quyền chia sẻ: “Lúc đầu tôi trồng cây ăn trái, thấy cỏ lên nhiều, nhưng không giải quyết hết, nhổ bỏ cũng rất phí, khiến tôi suy nghĩ cách xử lý số cỏ này. Từ đó, tôi tìm hiểu, tham quan nhiều trang trại và nhận thấy mô hình nuôi dê Boer rất phù hợp, thích nghi với khí hậu ở quê, nên tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và tiến hành thả nuôi. Ban đầu, khi bắt tay vào làm, tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn động viên bản thân kiên trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Anh Võ Thế Quyền, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ) chăm sóc đàn dê. |
Anh Quyền cho biết: Nuôi dê Boer không quá khó, chủ yếu nắm cho được các đặc tính của loài dê để phòng ngừa dịch bệnh. “Tôi xây dựng chuồng trại thông thoáng, tránh nắng mưa, thường xuyên vệ sinh, rải vôi khử khuẩn và chủ động nguồn cỏ sạch trong vườn. Ngoài ra, tôi còn bổ sung canxi, chích thuốc phòng ngừa các bệnh ký sinh, tụ huyết trùng để tăng sức đề kháng cho đàn dê luôn khỏe mạnh”, anh Quyền chia sẻ.
Cũng theo anh Quyền, dê Boer sinh sản nhanh, bình quân mỗi năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2- 4 con. Tuy nhiên, người nuôi chú ý luân phiên đổi dê đực phối giống và đánh số trên mỗi con dê, nhằm tránh trường hợp trùng huyết.
Để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, anh Quyền đã đăng tải các thông tin, hình ảnh lên các trang mạng xã hội để trao đổi, mua bán dê giống. Nhờ đó, anh đã liên kết được các đầu mối thu mua dê giống trong và ngoài tỉnh. Anh Quyền cho hay: “Không phải ai cũng biết đến mô hình nuôi dê sinh sản của mình, tôi phải chủ động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, tôi không phải lo về đầu ra. Bình quân một ký dê giống thuần có giá 250 nghìn đồng, nên trong năm vừa qua, trừ hết chi phí, tôi thu về khoảng 100 triệu đồng”.
Từ 9 con dê nuôi ban đầu, chỉ sau hơn 1,5 năm triển khai, anh Quyền đã có 50 con dê Boer sinh sản. Chị Võ Thị Loan, ở xã Phổ An cho biết: "Quyền tạo điều kiện cho tôi làm ở đây, nên có thể phụ giúp công việc nhà. Hằng tháng có lương cố định trang trải cuộc sống, nên tôi rất mừng”.
Nhờ sự năng động, mạnh dạn khởi nghiệp trái với ngành nghề đã học và linh hoạt trong tiếp cận thị trường đã giúp anh Quyền bước đầu gặt hái được thành công với mô hình chăn nuôi dê Boer sinh sản. Thời gian tới, anh Quyền dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: HẢI CHÂU