(Báo Quảng Ngãi)- Bán không được, chuyển nghề cũng chẳng xong, nên hơn 500 chiếc tàu hành nghề giã cào, với tổng trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng của ngư dân trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng nằm bờ, phơi nắng, phơi mưa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khó cải hoán
Sau gần 1 năm để tàu nằm bờ, vì khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Anh Dũng, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), chủ của đôi tàu giã cào có tổng công suất hơn 1.000CV dự định chuyển sang nghề câu để mưu sinh. Song, sau khi tính toán kinh phí cải hoán, ông Dũng đành gác lại dự tính của mình.
Những chiếc tàu giã cào nằm "án binh bất động" cả năm qua tại khu vực neo trú tàu thuyền xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). |
“Trang thiết bị trên tàu giã cào khác hẳn so với các nghề khác, nên để chuyển đổi nghề, ngư dân chúng tôi buộc phải thay mới toàn bộ trang thiết bị. Như hệ trục chân vịt, cánh quạt trong hệ trục của tàu giã cào dài đến 2,7m, thì cánh quạt của các tàu làm nghề khác chỉ tầm 1 - 1,2m. Riêng chi phí thay hệ trục chân vịt đã mất gần 200 triệu đồng; rồi chi phí tháo dỡ cần cẩu chữ A (chuyên dùng trong nghề giã cào) và đổi lưới cụ... tính sơ bộ đã hơn 500 triệu đồng, bằng 1/3 - 1/4 kinh phí đóng mới tàu, nên tôi đành gác lại”, ông Dũng giãi bày.
Theo chia sẻ của ngư dân, chẳng những trang thiết bị trên tàu giã cào đều không tận dụng được khi chuyển đổi nghề, mà ngay cả thiết kế của tàu giã cào cũng không phù hợp để làm các nghề khác. Chẳng hạn như, sau khi hạ thủy, nếu như boong tàu của các tàu làm nghề câu, nghề lưới vây... chỉ cao hơn mực nước biển từ 0,5 - 1m, thuận tiện cho ngư dân kéo lưới, thâu dây câu; thì boong tàu của tàu giã cào cao hơn mực nước biển từ 1,5 - 1,7m, làm cho ngư dân gặp trở ngại khi thực hiện các thao tác khi đánh bắt. Do những đặc thù trong thiết kế của tàu giã cào, nên kinh phí cải hoán của mỗi tàu dao động từ 300 - 500 triệu đồng.
Trang thiết bị trên các tàu giã cào tại phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) hoen rỉ, hư hỏng sau nhiều tháng nằm bờ. Ảnh: NGỌC VIÊN |
“Tàu giã cào có thiết kế rất đặc thù so với các tàu làm nghề đánh bắt thủy sản khác, nên muốn chuyển đổi nghề bắt buộc ngư dân phải cải hoán tàu. Song, kinh phí cải hoán rất cao. Riêng các tàu giã cào có chiều dài từ 20m trở lên, việc cải hoán gần như không thể thực hiện được. Chính vì lẽ đó, nhiều chủ tàu đang cho tàu neo đậu ở khắp các cảng cá trong và ngoài tỉnh”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết.
“Tàu giã cào có thiết kế rất đặc thù so với các tàu làm nghề đánh bắt thủy sản khác, nên muốn chuyển đổi nghề bắt buộc ngư dân phải cải hoán tàu, song kinh phí cải hoán rất cao. Chính vì lẽ đó, nhiều chủ tàu đang cho tàu neo đậu ở khắp các cảng cá trong và ngoài tỉnh”.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh
NGUYỄN VĂN MƯỜI
|
Cần được trợ lực
Toàn tỉnh hiện có gần 1.800 tàu giã cào, chiếm hơn 31% tổng số tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tại xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản tỉnh, vài năm trở lại đây, do sản lượng đánh bắt thấp, chi phí cho nghề giã cào lại cao hơn rất nhiều so với các nghề khác, nên toàn tỉnh có hơn 500 tàu giã cào phải neo ở bờ.
Từ cuối năm 2018 đến nay, chủ tàu D.M.T, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đành để đôi tàu giã cào trị giá hơn 8 tỷ đồng nằm bờ, vì không kham nổi kinh phí cho mỗi chuyến vươn khơi. “Các tàu khác đi biển chỉ 8- 10 người, thì tàu giã cào cần 14- 16 người. Tàu càng to thì kinh phí càng lớn. Do đó, khi sản lượng đánh bắt sụt giảm, thì lỗ càng nhiều. Có chuyến, tôi lỗ tổn tới 200 - 300 triệu đồng”, anh T cho hay.
Tàu giã cào có kích thước lớn và thiết kế đặc thù nên ngư dân rất khó chuyển sang các nghề khác nếu không cải hoán. |
Liên tiếp gặp thua lỗ, nhưng lại không đủ kinh phí để cải hoán tàu và mua sắm ngư lưới cụ chuyển sang nghề khác, nên từ năm 2019 đến nay, anh T nghỉ đi biển và dựng lều tạm để bán bún, trang trải cuộc sống hằng ngày.
Không đành lòng nhìn tài sản trị giá tiền tỷ phơi nắng, phơi mưa, một số ít chủ tàu tại Nghĩa An và Phổ Thạnh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí cải hoán, chuyển đổi từ nghề giã cào sang nghề câu mực. Tuy nhiên, theo các ngư dân, do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, cộng với chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm nghề câu, nên dù đã chuyển sang nghề mới, thu nhập của ngư dân vẫn bấp bênh. Thậm chí, có một số chuyến biển, nếu không được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu, ngư dân cầm chắc lỗ tổn.
Để gỡ khó cho tàu giã cào, đồng thời khuyến khích chuyển đổi sang nghề khai thác thân thiện với môi trường, Sở NN&PTNT đã xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh trình HĐND, UBND tỉnh xem xét. Theo đó, các ngư dân chuyển đổi từ nghề giã cào sang nghề ít tổn hại nguồn lợi thủy sản sẽ được hỗ trợ từ 50 - 150 triệu đồng/tàu, xóa đăng ký tàu giã cào sẽ được hỗ trợ từ 50 - 100 triệu đồng/tàu, tùy theo chiều dài tàu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mười, dự kiến công tác hỗ trợ sẽ được thực hiện từ 2020 - 2022, nhưng do ngân sách của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên chính sách này chưa được phê duyệt.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại, hầu hết các trang thiết bị trên tàu của hàng chục chiếc tàu giã cào neo tại các cửa biển đều đang hoen rỉ, xuống cấp... Chẳng biết những con tàu trị giá tiền tỷ này có chờ được đến ngày các ngành chức năng, chủ tàu tìm được giải pháp khả thi để giải cứu hay không?
Giảm tỷ lệ tàu hành nghề giã cào còn 25%
Nhằm phát triển nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững, hạn chế nghề có tác động xấu đến môi trường và nguồn lợi thủy sản, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu từng bước giảm tỷ lệ tàu hành nghề giã cào xuống còn 25% trong cơ cấu nghề khai thác hải sản.
|
Bài, ảnh: Ý THU