Thiệt thòi nghề câu mực xà

09:09, 12/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Là nghề có mặt liên tục tại các vùng biển xa bờ. Thế nhưng, nghề câu mực xà lại là nghề bị thiệt thòi nhất khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là QĐ 48). Bởi, căn cứ theo quy định này, các chủ tàu câu mực xà rất khó được hỗ trợ nhiên liệu tối đa là 4 chuyến biển/năm.
Theo quy định tại QĐ 48 về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, mỗi tàu đánh bắt xa bờ sẽ được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm. Quy định là vậy, nhưng hầu hết các tàu làm nghề câu mực xà trên địa bàn tỉnh đều khó nhận được mức hỗ trợ nhiên liệu tối đa này. Bởi lẽ, đặc thù thời gian mỗi chuyến biển của nghề câu mực xà thường kéo dài từ 3 tháng trở lên, nên mỗi năm, sau khi phải "nằm bờ" 3 tháng vào mùa mưa, thì phần lớn các tàu chỉ có thể thực hiện được từ 2 - 3 chuyến biển. 
Ngư dân tàu câu mực xà tại Bình Chánh (Bình Sơn) đang sửa soạn vươn khơi. Ảnh: Ý THU
Ngư dân tàu câu mực xà tại Bình Chánh (Bình Sơn) đang sửa soạn vươn khơi. Ảnh: Ý THU
“Mỗi năm, tàu của tôi chỉ đi được cao nhất là 3 chuyến biển. Có năm, tình hình thời tiết bất lợi thì chỉ đi được 2 chuyến. Số lượng chuyến biển ít, nhưng chi phí nhiên liệu của tàu câu mực xà lại cao gấp đôi, gấp ba so với tàu hành nghề khác, do thời gian bám biển kéo dài. Bình quân mỗi chuyến biển, tàu tôi tiêu tốn từ 30.000 - 40.000 lít dầu (trị giá 300 - 400 triệu đồng). Do vậy, việc hỗ trợ tiền dầu theo số lượng chuyến biển và hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/chuyến biển là rất thiệt thòi cho chúng tôi”, chủ tàu QNg 90711TS Nguyễn Thành Duy (Bình Sơn) chia sẻ.
 
Không chỉ thua thiệt về số lượng chuyến biển được hỗ trợ, tỷ lệ các tàu câu mực xà không được hỗ trợ tiền dầu khi gặp trục trặc liên lạc với trạm bờ cũng cao hẳn so với các ngành nghề khác.
 
Lý giải điều này, bà Trần Thị Loan, chủ tàu câu mực xà tại Bình Sơn cho biết: “Theo quy định, để được nhận hỗ trợ tiền dầu, mỗi tàu ra khơi phải nhắn đủ 5 tin nhắn khi đang hoạt động trên biển. Tuy nhiên, đôi khi do máy móc, đường truyền gặp trục trặc, nên chúng tôi thường xuyên bị rơi vào tình cảnh không đủ tin nhắn theo quy định. Trong khi đó, các ngành nghề có chuyến biển kéo dài từ 15 - 25 ngày, thì chuyến này trục trặc, không đủ số lượng tin nhắn, thì họ còn đến hơn 10 chuyến biển khác để nhắn. Còn chúng tôi, mỗi năm chỉ đi 2 - 3 chuyến biển, nên mỗi khi gặp trục trặc trong nhắn tin, coi như không còn chuyến biển nào để bù”.
 
Là tàu câu mực có công suất 1.000CV, bình quân mỗi chuyến biển, tàu của bà Loan tiêu tốn gần 50.000 lít dầu. Song, năm 2019, do chỉ thực hiện được 3 chuyến biển, trong khi 1 chuyến gặp trục trặc về tin nhắn, nên tàu của bà chỉ được hỗ trợ nhiên liệu cho 2 chuyến biển, với tổng số tiền 200 triệu đồng.
 
"Một số nghề khai thác thủy sản xa bờ có thể thực hiện 8 - 10 chuyến biển trong năm, nhưng riêng nghề câu mực xà có chuyến biển rất dài ngày, mỗi năm không đi được 4 chuyến biển để nhận hỗ trợ. Do đó, dù là nghề có số ngày bám vùng biển xa nhiều nhất so với các nghề, nhưng lại là nghề bị thiệt thòi nhất trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhiên liệu. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ nhiên liệu đặc thù theo cách hỗ trợ theo tổng số ngày hiện diện của tàu cá trên vùng biển xa, thay vì hỗ trợ theo số lượng chuyến biển như hiện nay”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười kiến nghị.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 
 

.