Lấy nước ngầm nuôi tôm: Lợi bất cập hại

08:06, 27/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cho rằng, tôm thẻ chân trắng khi được nuôi ở môi trường nước có độ mặn thấp sẽ sinh trưởng nhanh, nên nhiều hộ nuôi tôm trên cát đang khai thác triệt để nguồn nước ngầm, pha với nước biển để giảm độ mặn. Thực trạng này không chỉ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm, mà còn gây ra nhiều nguy cơ dịch bệnh trên tôm.
Nhiều năm qua, để giảm độ mặn của nước biển tại các ao nuôi, người nuôi tôm trên cát tại huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ đã tự ý khoan giếng dọc theo bãi cát ven biển. “Tôm thẻ chân trắng có thể sống được ở nước có độ mặn dao động từ 0 - 50‰, nhưng thực tế nuôi cho thấy, tôm lớn nhanh nhất vẫn là ở độ mặn từ 10 - 25‰. Trong khi đó, độ mặn của nước biển tại khu vực này thường là 32‰. Vì vậy, chúng tôi thường pha nước ngọt vào nước biển theo tỷ lệ 2-8 hoặc 3 - 7, để giảm bớt độ mặn của nước ao nuôi”, ông Châu Ngọc Vinh, một hộ có kinh nghiệm nuôi tôm tại thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) chia sẻ. 
Người nuôi tôm trên cát tại xã Đức Minh (Mộ Đức) bơm nước ngọt từ giếng khoan trong rừng phi lao ven biển để pha vào ao nuôi tôm.
Người nuôi tôm trên cát tại xã Đức Minh (Mộ Đức) bơm nước ngọt từ giếng khoan trong rừng phi lao ven biển để pha vào ao nuôi tôm.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Thị Ngọc Hà cho rằng: “Nước ngầm thường có tạp chất, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm hoặc gây chết tôm, nên giải pháp sử dụng trực tiếp nước ngầm để pha với nước biển không được xem là an toàn đối với hoạt động nuôi tôm trên cát”.
 
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, tình trạng người dân sử dụng nước ngầm để làm giảm độ mặn của nước biển trong nuôi trồng thủy sản nước lợ (NTTS) thường diễn ra tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại hai địa phương là huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ, với tổng diện tích thả nuôi hằng năm dao động từ 200 - 250ha. 
 
Tính bình quân mỗi vụ, một ao nuôi tôm trên cát có diện tích khoảng 2.000m2 như hộ ông Vinh cần khoảng 600m3 nước ngọt pha vào lúc ban đầu, thì có ít nhất 600.000m3 nước ngầm vùng ven biển bị khai thác phục vụ cho hoạt động NTTS. Đó là chưa kể, tại một số địa phương như xã Đức Minh (Mộ Đức), phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ)... người nuôi tôm còn khoan giếng trực tiếp trong rừng dương liễu phòng hộ, chắn sóng... để dẫn nước ngọt ra ao nuôi. Việc khai thác quá mức, sẽ khiến trữ lượng nước ngầm cạn kiệt, kéo theo đó là rừng dương chắn sóng bị "chết dần, chết mòn" do thiếu nước ngọt. 
 
Những máy bơm nước được dùng để khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm tại xã Đức Minh (Mộ Đức).
Những máy bơm nước được dùng để khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm tại xã Đức Minh (Mộ Đức).
 
Trưởng phòng Tài nguyên nước - khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) Nguyễn Biện Như Sơn cho biết: “Kết quả của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm vùng ven biển trên địa bàn huyện Mộ Đức, TX.Đức Phổ cho thấy, nước ngầm tại vùng bãi cát ven biển đang nuôi tôm đều bị nhiễm mặn.
 
Trong đó, hầu như tất cả các lỗ khoan hút nước nuôi tôm đều bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn. Đồng thời, kết quả tính cân bằng lượng nước khai thác sử dụng trên vùng cát ven biển hai địa phương này cho thấy, hầu hết các xã nằm trong vùng nuôi tôm trên cát đều thiếu nước ngọt, với tổng lượng nước thiếu hụt khoảng 27 triệu mét khối, chiếm gần 50% so với nhu cầu nước cho nuôi tôm”.
 
Trước nguy cơ cạn kiệt, nhiễm mặn và nhiễm bẩn nguồn nước ngầm, ngành TN&MT tỉnh khuyến cáo không nên tiếp tục hoạt động nuôi tôm trên cát tại vùng bãi cát sát với bờ biển Mộ Đức và TX.Đức Phổ. Bởi hoạt động này về lâu dài sẽ gây suy thoái tầng chứa nước ngọt tại khu vực này.
 
Bài, ảnh: Ý THU 
 
 
 

.