(Báo Quảng Ngãi)- Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được xem là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 10 năm và 25 năm tới. Vì vậy, việc lập quy hoạch tỉnh đã và đang được triển khai quyết liệt, đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày 28.10.2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Ngay từ quý I/2020, một số nhiệm vụ của kế hoạch đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc thực hiện bị chậm lại.
Mới đây, tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tầng lớp trí thức vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm ( giai đoạn 2021 - 2025), từ đó xây dựng quy hoạch.
Một góc trung tâm huyện Sơn Tịnh. Ảnh: PV |
Theo đánh giá sơ bộ của UBND tỉnh, việc thực hiện quy hoạch thời kỳ 2016 - 2020 có nhiều bất cập, tồn tại, nhất là việc liên tục điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết để phù hợp với công năng, chức năng sử dụng đất trong thu hút đầu tư. Không ít dự án được cấp chủ trương đầu tư, nhưng không phù hợp, phải xem xét họp, xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch. Thậm chí, có dự án không thuộc lĩnh vực công nghiệp đã cấp chứng nhận đầu tư vào KCN, KKT, trong khi việc điều chỉnh quy hoạch đất tại đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, rất nhiều địa phương trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Việc sớm được phê duyệt nhiệm vụ này giúp cho các địa phương vạch ra lộ trình phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Đặc biệt là về hệ thống đô thị, phân bố dân cư, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từ đó kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn một cách đồng bộ, khoa học. Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, sắp xếp, bố trí hợp lý không gian, nhằm giải quyết các vấn đề xung đột. Vì thế, Quảng Ngãi cần tập trung đẩy mạnh việc lập quy hoạch, sớm được phê duyệt, để thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Việc lập quy hoạch tỉnh cần tập trung vào những lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến đời sống dân sinh, đặc biệt là điện, nước, đất đai, môi trường. Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng đến vấn đề cấp nước sinh hoạt và thoát nước thải trong khu vực đô thị và nông thôn, trong KKT và KCN. Lâu nay, tỉnh chỉ mới chú trọng đến hạ tầng giao thông, xây dựng, là nguyên nhân dẫn đến hệ thống cấp nước, thoát nước vừa thiếu, lại yếu kém. Đây là hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2016 - 2020. Ngay cả việc xã hội hóa lĩnh vực này, hiện cũng còn nhiều thiếu sót, không ít dự án cấp nước triển khai thi công chậm trễ, việc tư nhân hóa lĩnh vực cấp nước chưa đúng với yêu cầu của Chính phủ.
Tỉnh rất mong nhận được đóng góp của các nhà khoa học, nhà chuyên môn dựa trên những đánh giá khách quan về thực trạng kinh tế - xã hội, để biết thực chất vị trí xếp hạng của Quảng Ngãi so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó, xác định nhiệm vụ cho giai đoạn mới phù hợp với khả năng, sát thực với tiềm lực, thế mạnh, để triển khai thực hiện hài hòa giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và giữ gìn, phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Cơ sở để lập quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, địa phương phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một giai đoạn. Nếu mục tiêu của chiến lược rõ ràng, việc quy hoạch sẽ chi tiết, cụ thể và có tính khả thi cao. Khi lập quy hoạch, các cơ quan, địa phương cần căn cứ vào tiềm năng, lợi thế để đưa ra lời giải phù hợp, thích ứng với quá trình phát triển. Chẳng hạn vùng biển sẽ thích hợp phát triển kinh tế biển, du lịch, không nên quy hoạch cho dự án chăn nuôi, trồng trọt; vùng đô thị nên dành để quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ; vùng đồi núi gắn với thế mạnh nông - lâm nghiệp, nhất là trồng rừng.
Với chức năng tham mưu cho tỉnh lập quy hoạch vùng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch khai thác khoáng sản, Sở rất trông đợi tỉnh ban hành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó xây dựng quy hoạch này một cách kịp thời, chất lượng. Khi chính thức lập quy hoạch này, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng gắn kết các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhằm tạo ra sự hài hòa, hợp lý trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, muốn phát triển, tăng trưởng đúng định hướng, đạt yêu cầu thì phải có quy hoạch cụ thể và kiên định chấp hành quy hoạch đã được duyệt.
Thời gian qua, huyện Sơn Tịnh đã kiên định thực hiện các quy hoạch về trung tâm huyện lỵ và 11 xã trên đường về đích nông thôn mới.
Khi triển khai dự án, công trình, nhất là các dự án do tư nhân đầu tư, huyện luôn bám sát quy hoạch được duyệt, thực hiện có lộ trình và giám sát chặt chẽ. Là địa bàn tiếp giáp với TP.Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh vừa phát triển hạ tầng mang dáng dấp đô thị, không quá chênh lệch với thành phố, song vẫn phải giữ được đặc trưng của một huyện nông nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2025, Sơn Tịnh chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ giao thông từ xã đến huyện; tập trung quy hoạch mạng lưới thủy lợi, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, lấy lợi thế là cửa ngõ vào cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng để phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là kinh doanh kho bãi. Một dự án cũng khá quan trọng là tuyến đường cầu Thạch Bích - Tịnh Phong triển khai trong thời gian tới sẽ góp phần phát triển hạ tầng giao thông, vừa tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
THANH NHỊ
(thực hiện)