(Baoquangngai.vn)- Sau gần 20 năm bị bồi lấp, luồng lạch vào cảng cá Sa Huỳnh (Đức Phổ) sẽ được nạo vét lại, giúp tàu thuyền ngư dân thuận tiện vươn khơi, lấy lại sức sống kinh tế sôi động. Đó là ước mong của tập thể Đảng bộ, người dân nơi đây, trong chính những ngày hè gấp rút tái lập môi trường kinh tế biển hậu dịch bệnh Covid-19.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Vũ Minh Tâm, Bí thư phường Phổ Thạnh (Đức Phổ) chia sẻ, diễn biến bất lợi về xâm thực biển những năm qua đã khiến cửa biển Sa Huỳnh bị bồi lấp nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng trăm hộ ngư dân địa phương. Riêng luồng lạch từ cửa biển vào đầm nước mặn Sa Huỳnh, nơi có khu neo đậu tàu thuyền và cảng cá Sa Huỳnh, tình trạng bồi lấp ngày càng tăng, có đoạn mớn nước còn chưa đến 0,8m khi triều xuống.
Lạch cạn, thuyền không thể vươn khơi
Trở lại Sa Huỳnh trong những ngày hạ gắt nắng sau dịch Covid-19, bối cảnh cảng cá bày ra trước chúng tôi thật sự thêm một nấc thảm đạm. Giáp chân cầu Thạnh Đức cắt ngang mặt đầm Nước Mặn Sa Huỳnh, những con tàu gỗ cũ kỹ từ lâu không còn ra biển nằm èo uột khô queo, ván vỡ nát dập dền trong bùn lội. Đôi ba ngư dân lầm lũi kéo thúng đi vòng qua cảng, có lẽ chuẩn bị chuyến ra biển mới. Họ đều là người dân Thạch By 1 và 2 ở đây, song từ lâu đã chuyển qua đi bạn cho các thuyền Bình Định, Phú Yên.
Cát bồi lấp nặng nề ngay giữa cảng cá Sa Huỳnh |
Ông Triệu Bá Đoàn, ngư dân già ở khu dân cư làng cá Sa Huỳnh chia sẻ, từ sau năm 2000, khi kè chắn sóng Sa Huỳnh được xây dựng, có lẽ dòng chảy bị thay đổi lớn, cát bắt đầu bồi lấp vào trong luồng nước vào đầm. Dần dà, dòng chảy cạn, nhiều vị trí thuyền cá không thể vượt qua được nữa. Thuyền xa bờ đành rời Sa Huỳnh, giong vào Bình Thuận, Phú Yên, hay ra Quảng Bình, Đà Nẵng để bán. Ngư dân ở đây, từ chỗ nhóm hội 7 – 10 thuyền đã tan rã, có gia đình chỉ giữ 1 – 2 thuyền cầm chừng, thu nhập ngày càng ít đi. Cảng cá Sa Huỳnh ngày nào tàu thuyền tấp nập, đã trở thành bến cá đìu hiu, thuyền muốn vào ra phải chờ nước lớn.
Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ nhìn nhận, câu chuyện luồng lạch cửa biển Sa Huỳnh từ lâu đã là vấn nạn của địa phương. Khảo sát mới đây từ công ty cổ phần tư vấn Phát triển Đầu tư và Xây dựng Quảng Ngãi cho thấy, suốt chiều dài 1,8km của luồng biển, có nhiều vị trí bồi lấp nặng. Đoạn lớn nhất dài 870m chỉ còn mớn nước 1,45m khi thủy triều lên. Do đó, các tàu thuyền không thể đi lại dễ dàng nữa. Ngư dân 4 thôn chính Thạch By 1 và 2, Thạnh Đức 1 và 2 đều bế tắc sinh kế.
Quyết tâm lấy lại cửa biển?
“Hiện tại địa phương đã nâng cấp thành thị xã, vấn đề đẩy mạnh kinh tế là không thể trễ nãi nữa. Do đó, chúng tôi hạ quyết tâm, kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác cải thiện lại môi trường, hạ tầng ở đây, phục dựng lại kinh tế cho người dân, mà trước hết là phải lấy lại cửa biển Sa Huỳnh, tái sinh lại sức mạnh cảng cá”. Ông Vương nhấn mạnh.
Thị xã Đức Phổ hy vọng triển khai sớm việc nạo vét luồng lạch vào cảng Sa Huỳnh |
Với tinh thần đó, chính quyền thị xã Đức Phổ đã triển khai, đề xuất cải tạo quy hoạch địa bàn, tham mưu và chấp thuận nhiều dự án đầu tư mới tại địa phương, xoáy sâu vào đời sống diêm dân và ngư dân. Đồng muối Sa Huỳnh được khảo sát lại, để quy hoạch đồng bộ và nâng chất lượng sản phẩm, mạnh dạn thu hồi các ruộng muối hoang hóa, tổ chức các ruộng muối chất lượng… Còn cảng cá Sa Huỳnh, gắn với hoạt động đánh bắt, chế biến hải sản, làm mắm truyền thống, cũng đặt lại bài toán đầu tư phát triển.
Đề xuất từ đơn vị tư vấn cho thấy, để giải quyết bài toán thông thương ra biển từ luồng lạch Sa Huỳnh, cần dự án nạo vét hơn 10 tỷ đồng, khơi lại dòng chảy rộng 30m, sâu tầm 4m, với khối lượng cát nạo vét hơn 11 ngàn khối. Ông Vương cho biết đã vận động nhà đầu tư dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Ân Phú nhận dự án này, với hướng “một công đôi chuyện” vừa mở lại cửa biển Sa Huỳnh, vừa giúp doanh nghiệp san lấp hạ tầng khu đô thị mới ở đồng muối Sa Huỳnh. Doanh nghiệp hiện đã sẵn sàng phương tiện thiết bị, chỉ còn chờ các cơ quan thẩm quyền thống nhất triển khai là hành động.
Vấn đề địa phương quan tâm, là việc nạo vét cần triển khai dứt điểm, đúng các yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm không gây tác động bất lợi đến môi trường, cũng như không để tái lặp tình trạng bồi lấp, sạt lở bờ biển về sau. Theo ông Cao Văn Khánh, Trưởng ban quản lý dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh, đây cũng là mong mỏi từ nhà đầu tư tham gia vào địa phương, hướng đến một môi trường an toàn bền vững cho người dân sở tại.
Nếu cảng cá Sa Huỳnh thật sự được tái phục, những cơ hội mới từ thị trường cho đồng muối, hải sản Sa Huỳnh, hoạt động các làng nghề truyền thống biển, các mô hình kinh doanh mới như du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng biển chắc chắn sẽ là rất lớn.
Ông Vũ Minh Tâm nhận xét, sau gần 20 năm bế tắc bởi cửa biển bồi lấp, Phổ Thạnh giờ hứa hẹn trở lại vị thế một cảng cá thương mại, một thương hiệu muối truyền thống chất lượng… Đảng bộ và người dân địa phương rất mong mỏi vào điều ấy.
Bài, ảnh: Nguyên Đông