(Báo Quảng Ngãi)- Giá heo hơi trên thị trường hiện xấp xỉ 100 nghìn đồng/kg, cao nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi của cả nước. Điều này kéo theo giá thịt heo và các sản phẩm của thịt heo cũng đồng loạt tăng giá...
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Loạn" giá heo
Chỉ trong vòng 1 tháng, giá heo hơi trung bình trên cả nước nói chung, địa bàn Quảng Ngãi nói riêng đã tăng từ 15 - 25 nghìn đồng/kg, hiện đạt 97 - 98 nghìn đồng/kg. Cuối tháng 4.2020, có ít nhất 15 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi và kinh doanh heo lớn trong cả nước đã cam kết với Bộ NN&PTNT sẽ đưa giá heo hơi về 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, DN càng tham gia bình ổn, thì giá heo hơi càng bất ổn, kéo theo giá thịt heo và các sản phẩm của thịt heo cũng tăng tự do. Ở các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, giá thịt heo và các sản phẩm thịt heo giao động từ 170 - 280 nghìn đồng/kg.
Giá heo hơi hiện xấp xỉ 100 nghìn đồng/kg, không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mà còn tác động lớn đến kế hoạch tái đàn, tăng đàn heo của tỉnh. |
Với mức giá trên, không chỉ khiến người tiêu dùng đắn đo, cân nhắc; các tiểu thương cũng bị động trong khâu nhập hàng vì sức mua liên tục biến động; mà người chăn nuôi cũng rơi vào cảnh “tái đàn không được, mà không tái đàn cũng chẳng xong”. Vì giá heo hơi xấp xỉ 100 nghìn đồng/kg, thì giá heo giống cũng từ 3 - 3,5 triệu đồng/con.
“Thấy giá heo tăng cao, tôi cũng muốn đầu tư tăng đàn, tái đàn. Tuy nhiên, cùng với heo giống, thì chi phí thức ăn và thuốc thú y cũng... tăng gấp đôi so với trước, nhưng không biết 4 - 5 tháng sau, giá heo hơi sẽ tăng, giảm thế nào?”, bà Trần Thị Mai, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) bày tỏ. Vì vậy, dù muốn nhưng hiện tại bà Mai cũng chỉ tận dụng con giống tự có, chứ không mạo hiểm đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi heo.
Cần giải pháp quyết liệt
Dịch tả heo Châu Phi làm 36.780 con heo trên địa bàn tỉnh bị chết và tiêu hủy bắt buộc, nên thực tế, số lượng heo trong dân còn rất ít. Vì vậy, giá heo hơi tăng cao, thì tiểu thương và các trang trại, chủ yếu là chăn nuôi gia công cho các DN chăn nuôi và kinh doanh heo lớn, sẽ được hưởng lợi; còn đối tượng chịu thiệt chính là người chăn nuôi nhỏ lẻ và người tiêu dùng.
“Năm 2017, giá heo xuống thấp dưới 20 nghìn đồng, người tiêu dùng đã tích cực tiêu thụ, nhằm giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi và ngành chăn nuôi. Nhưng khi giá heo tăng cao lịch sử, không thấy ai chia sẻ với người tiêu dùng”, bà Trần Thị Thanh Hà, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) nói.
Giá heo tăng, cộng với nguy cơ các loại dịch bệnh tái phát, nên ngành chăn nuôi hiện cũng đang lúng túng và loay hoay với kế hoạch tái đàn, tăng đàn, vì ngại phát sinh những hệ lụy! Bên cạnh đó, nguồn cung heo giống đang khan hiếm, khiến người chăn nuôi gặp khó trong việc đầu tư tái đàn, tăng đàn. Bởi các DN sản xuất và kinh doanh heo lớn chỉ cung cấp heo giống cho các trang trại chăn nuôi trong hệ thống, mà không cung cấp ra ngoài thị trường.
“Dù rất muốn bán heo giống ra thị trường, nhưng hiện tại công ty có đến 3 trang trại heo thịt mà chỉ có khoảng 200 con nái. Vì vậy, lượng heo giống hiện vẫn không đủ phục vụ nhu cầu chăn nuôi khép kín của công ty”, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt (Tư Nghĩa) Nguyễn Văn Sáng lý giải. Điều này không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tụt mất cơ hội thu lãi từ chăn nuôi, do không có nguồn heo giống để tái đàn, tăng đàn; mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu của ngành nông nghiệp, là cơ bản đáp ứng nhu cầu thịt heo cho thị trường vào quý III/2020.
Trước tình trạng trên, Sở NN&PTNT khuyến khích các DN, trang trại heo tăng cường phát triển đàn giống, để có nguồn con giống cung cấp cho người chăn nuôi; cũng như liên kết với người chăn nuôi, để cung cấp giống, kỹ thuật, đảm bảo tái đàn an toàn. Sở cũng kiến nghị tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ nguồn heo giống đạt chuẩn cho người dân, các trang trại và DN để tiếp tục phát triển đàn heo, vừa góp phần bình ổn giá heo, vừa đáp ứng nhu cầu thịt heo và các sản phẩm của thịt heo cho thị trường.
Bài, ảnh: MỸ HOA