"Chạy đua" lắp thiết bị giám sát tàu cá

11:03, 22/03/2020
.
(Baoquangngai.vn) - Ngày 1/4/2020, là thời điểm cuối cùng cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình (GSHT) mới được vươn khơi. Các chủ tàu đang “chạy đua” với thời gian lắp đặt thiết bị.
Hối hả lắp đặt

Theo quy định, từ 1/4/2020, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình mới được cấp giấy “thông hành”. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không có thiết bị này, tàu cá phải nằm bờ. Sát đến ngày quy định có hiệu lực, hàng trăm chủ tàu hối hả đăng ký được lắp thiết bị cho tàu cá.

Tranh thủ thời gian nghỉ mùa trăng, chủ tàu Nguyễn Tuấn, ở xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) đặt hàng với đơn vị chuyên lắp thiết bị. Kinh phí bỏ ra để lắp thiết bị này là hơn 24 triệu đồng.
 
Ngư dân đang hối hả lắp thiết bị GSHT cho tàu cá.
Ngư dân đang hối hả lắp thiết bị GSHT cho tàu cá.
 
Anh Tuấn bộc bạch: “Bản thân mình đồng tình với quy định về việc gắn thiết bị GSHT, góp phần cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng, nhưng lâu nay khai thác kém hiệu quả nên còn chần chừ. Có thiết bị rồi mình yên tâm khi khai thác, nhở may có xui rủi trên biển cũng dễ dàng cho công tác cứu hộ”.

Hai con tàu của chủ tàu Nguyễn Thanh Nam, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) ra khơi cùng với thiết bị GSHT. Ông Nam đã bỏ ra gần 50 triệu đổng để lắp thiết bị GSHT cho 2 tàu cá của gia đình.

“Có thiết bị GSHT tiện cho cơ quan quản lý, ngư dân an tâm khi khai thác vì như “có người” nhắc nhở mình đánh bắt có trách nhiệm” - ông Nam bày tỏ.

Cuối năm 2019, Quảng Ngãi là tỉnh có số lượng tàu lắp thiết bị thấp nhất cả nước, chỉ có 63/3.354 tàu (chiếm tỷ lệ 1,87%) thì nay đã có hơn 800 chiếc đã lắp đặt, chiếm tỷ lệ 25%.
 
Toàn tỉnh còn hơn 2.500 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị.
Toàn tỉnh còn hơn 2.500 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị.
 
Kiên quyết xử phạt

Thiết bị GSHT lắp đặt trên tàu cá không chỉ giúp cho các cơ quan Nhà nước quản lý được hoạt động khai thác thủy sản trên biển mà chính các chủ tàu cũng có lợi.

Khi tàu có lắp đặt thiết bị, khi tàu tiến đến vùng ranh giới biển Việt Nam sẽ có tín hiệu báo động ngay, lực lượng giám sát tàu cá sẽ liên hệ thuyền trưởng, thông báo cho chủ tàu. Tàu nào cố tình vi phạm vượt ra vùng biển nước ngoài, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào dữ liệu giám sát để xử lý theo quy định.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, thời gian qua, Sở phối hợp với các đơn vị chuyên lắp đặt thiết bị thường xuyên xuống vận động để ngư dân lắp đặt đúng lộ trình.
 
Qua hệ thống giám sát, cơ quan chức năng sẽ quản lý được lịch trình di chuyển của tàu cá.
Qua hệ thống giám sát, cơ quan chức năng sẽ quản lý được lịch trình di chuyển của tàu cá.
 
Số lượng tàu đã lắp đặt mặc dù còn thấp so với tổng số tàu phải lắp đặt, nhưng đã có dấu hiệu tích cực, ngư dân có ý thức hơn trong việc góp phần cùng cả hệ thống chính trị gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu.

Hiện nay, các đơn vị lắp đặt đang đẩy nhanh tiến độ lắp đặt cho ngư dân, đảm bảo lắp đúng quy định, nhất là việc niêm phong kẹp chì trên thiết bị, tránh trường hợp ngư dân tháo rời thiết bị, lặp đặt lại như cũ.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn, ngày 1.4.2020 là kết thúc lộ trình lắp đặt cho tất cả các tàu từ 15m trở lên, vì vậy, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân lắp đặt đúng thời hạn quy định.

Sau thời gian này, Chi cục kiên quyết không cấp giấy phép khai thác cho các tàu không lắp đặt thiết bị; phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của Nghị định 42 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh  vực thủy sản.
 
                         Điều 20, Nghị định 42 quy định:

Phạt tiền từ 300 đến 500.000.000 đồng đối với chủ tàu cá có không trang bị thiết bị GSHT trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m. Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m, trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng.

 

Bài, ảnh: A.KIỀU

 


.