Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Còn nhiều trăn trở

10:02, 04/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tuy các chỉ tiêu, kế hoạch trong năm 2019 đều đạt và vượt so với kế hoạch, nhưng giá trị sản xuất chưa cao; đầu ra của nông sản còn bấp bênh, giá bán không ổn định, nên cuộc sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn... Đó là những tồn tại, thách thức đối với ngành nông nghiệp...
Sản xuất nông nghiệp chưa bền vững
 
Đến nay, Quảng Ngãi đã thu hút được 51 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 2.600 tỷ đồng, nhưng mới có 19 dự án đi vào hoạt động. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2019 đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa cao. Đó là, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu ra của nông sản bấp bênh, nông dân chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, với trên 16 nghìn hécta cây trồng các loại bị gây hại... 
Năng suất lúa tăng, nhưng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa vẫn thấp.
Năng suất lúa tăng, nhưng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa vẫn thấp.
Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật sự đi vào chiều sâu (giá trị cạnh tranh). Vì vậy, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều chuỗi liên kết, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. “Mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học còn lỏng lẻo. Doanh nghiệp và nông dân hợp tác theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa chia sẻ khó khăn và rủi ro”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân cho biết.
 
Năm 2019, hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng, với trên 60 nghìn con gia súc, gia cầm (GSGC) mắc bệnh bị chết, tiêu hủy bắt buộc. Đặc biệt, dịch tả heo Châu Phi (ASF) xuất hiện ở 13/14 huyện, thành phố (trừ huyện Lý Sơn), làm chết và tiêu hủy gần 33 nghìn con heo, thiệt hại gần 30 tỷ đồng. Nguyên nhân, do người dân chủ quan, chính quyền một số địa phương thì chưa vào cuộc quyết liệt.
“Để sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển bền vững, thì ngoài sự nỗ lực của ngành, Nhà nước cũng cần đầu tư nguồn lực tương xứng để hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất; hình thành các vùng sản xuất lớn, khu chăn nuôi an toàn sinh học, để thu hút DN và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...”.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ
Nhiều rào cản với ngành thủy sản
 
Trong năm, sản lượng thủy sản khai thác đạt 257 nghìn tấn, tăng 7,9% so với năm 2018; sản lượng thủy sản nuôi đạt trên 7.400 tấn, tăng 188 tấn so với năm 2018. Tuy nhiên, ngư dân và người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh thì không được vui, do chi phí đầu tư cao, trong khi giá bán không ổn định. Hoạt động khai thác hải sản của ngư dân gặp nhiều bất lợi, do thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn lợi hải sản suy giảm mạnh, nhất là các loại hải sản có giá trị... 
 
Các doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản cũng lao đao, vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, sản lượng khai thác thủy sản năm 2019 đạt trên 257 nghìn tấn, nhưng chỉ có khoảng 30 tấn thủy sản qua các cảng cá của tỉnh (chiếm 11,67% tổng sản lượng khai thác). Việc EC chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” cũng khiến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn...
 
Cần một chính sách căn cơ
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn bị động, vì chịu tác động rất lớn của thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường; trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế. Do đó, tiến độ thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng chậm, làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa thiếu vừa yếu, nên DN chưa mạnh dạn đầu tư liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ.
 
Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh ước đạt trên 15,4 triệu USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng sản phẩm thô là chủ yếu. Nguyên nhân là do hạ tầng phục vụ nghề cá thiếu đồng bộ; lao động thiếu nên nhiều tàu công suất lớn phải nằm bờ. Mặt khác, do các cảng cá bị bồi lấp, nên hầu hết tàu công suất lớn đều cập cảng ngoài tỉnh để xuất bán sản phẩm, trong khi DN trong tỉnh thì thiếu nguyên liệu chế biến...
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.