Giá rau, củ và hải sản: Biến động sau Tết

02:01, 31/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ Mùng 3 Tết, các chợ truyền thống và nhiều sạp hàng, siêu thị đã hoạt động bình thường. Các mặt hàng bày bán tương đối đa dạng, giá cả ổn định. Riêng một số loại rau, củ và hải sản có sự biến động về giá so với ngày thường.
Từ sáng Mùng 3 Tết đến nay, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã tấp nập người mua, người bán. Tại chợ Quảng Ngãi, hầu hết các sạp hàng trong chợ đã mở cửa hoạt động, nhưng người dân chọn mua thực phẩm ngay tại các điểm tự phát phía bên ngoài. Mặc dù các mặt hàng bày bán đa dạng, nhưng so với ngày thường, giá của một số loại rau, củ, quả, trái cây tăng từ 5  -  15%. 
Sau Tết, thực phẩm đa dạng nhưng giá bán tăng 5-15% so với ngày thường.
Sau Tết, thực phẩm đa dạng nhưng giá bán tăng 5-15% so với ngày thường.
Đối với mặt hàng rau, củ, quả, thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, nên giá chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, khổ qua 15 nghìn đồng/kg, xà lách 20 nghìn đồng/kg, dưa leo 7 nghìn đồng/kg, đậu ve 15 nghìn đồng/kg... Các loại trái cây tươi cũng có giá cao hơn ngày thường từ 10 - 15%, như: Cam 25 - 30 nghìn đồng/kg, xoài 40 - 60 nghìn đồng/kg (tùy loại), bưởi da xanh 50 - 55 nghìn đồng/kg...
 
Trong khi đó, hải sản là mặt hàng được nhiều “tiểu thương” hét giá cao nhất, nhiều loại tăng 20 - 30% so với ngày thường. Cụ thể, tôm rằn 350 - 400 nghìn đồng/kg, tôm sú 500 - 600 nghìn đồng/kg (loại 26 - 30 con/kg), cá hồng 350 nghìn đồng/kg, mực 400 nghìn đồng/kg, cá trắm đen 190 - 230 nghìn đồng/kg, trắm thường dao động từ 90 - 100 nghìn đồng/kg...
 
“Giá tăng là do tàu thuyền nghỉ Tết, nên lượng hàng cung ứng không nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy hải sản sau Tết tăng mạnh”, bà Trần Thị Thương, tiểu thương chợ Thu Lộ (TP.Quảng Ngãi), lý giải.
 
Trái với khung cảnh tấp nập tại các chợ truyền thống, tại các siêu thị, cửa hàng vẫn chưa có đông người dân đến mua sắm. Nguyên nhân, do từ Mùng 3 đến Mùng 5 vẫn còn thời gian nghỉ Tết, các siêu thị chỉ mở cửa một buổi. Tuy nhiên, vì đã chuẩn bị chu đáo, nên giá bán các mặt hàng, như: Rau xanh, thực phẩm tươi sống, trái cây... tại các siêu thị, cửa hàng được niêm yết đầy đủ, không có biến động nhiều so với thời điểm trước tết Nguyên đán.
 
So với tết Kỷ Hợi 2019, thị trường Tết năm nay không có biến động lớn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại vào Mùng 1, 2 Tết, nên đã hạn chế tâm lý mua thực phẩm tích trữ của người dân. Dự kiến, từ Mùng 6 tháng Giêng, các chợ, siêu thị và cửa hàng buôn bán, kinh doanh thực phẩm, rau củ quả sẽ hoạt động trở lại bình thường, nên nguồn hàng sẽ dồi dào hơn, giá cả cũng sẽ ổn định trở lại.
 
Giá hoa tươi tăng nhẹ
 
Sau Tết, hoa hồng có giá bán 5 - 6 nghìn đồng/bông, hoa ly 150 - 200 nghìn đồng/bó 5 cây (tùy loại), hoa lay ơn 100 - 120 nghìn đồng/10 bông... Đặc biệt, các loại hoa cúc lùn (loại nguyên cây, phục vụ thờ cúng) vẫn đắt hàng, giá bán cao, từ 5 - 7 nghìn đồng/cây...
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 
 

.