(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều chủ tàu cá gặp khó khi tàu vỏ thép phải nằm bờ với lý do không mua được bảo hiểm tàu cá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhìn con tàu hoen gỉ, neo tại cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), ông Trương Văn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ) than vãn: “Gần 1 năm nay, tàu phải nằm bờ vì không được cấp phép hoạt động, do bảo hiểm tàu cá hết hạn”. Nguyên nhân ông Chín không mua được bảo hiểm là do tàu cá đã hết hạn đăng kiểm kỹ thuật. Ông Chín muốn được đưa tàu lên ụ để bảo trì, rồi thực hiện đăng kiểm, nhưng phía ngân hàng lại không đồng ý cho di chuyển tàu ra khỏi cảng Tịnh Hòa!
Không được mua bảo hiểm, tàu vỏ thép phải nằm bờ, khiến các chủ tàu chồng chất khó khăn. Ảnh: TL |
Trong khi đó, ngư dân Phạm Trí Thức, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng lo lắng vì không mua được bảo hiểm tàu cá, nên tàu phải nằm bờ hơn 3 tháng nay. “Tàu của tôi hoạt động cầm chừng, mong kiếm tiền trả nợ vay cho ngân hàng. Giờ bảo hiểm hết hạn, mà không mua được nữa, nên tôi chẳng biết làm sao, trong khi lao động bỏ đi làm cho các chủ tàu khác hết”, ông Thức cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân xảy ra tình trạng “tàu 67” gặp khó trong việc mua bảo hiểm là do giữa ngư dân, ngân hàng, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm chưa tìm được tiếng nói chung và mất niềm tin với nhau. Đó là, có tình trạng chủ tàu “tàu 67” ỷ lại chiếc tàu là tài sản của nhà nước (do được nhà nước bảo lãnh để ngư dân thế chấp vay vốn ngân hàng), nên dù làm ăn hiệu quả, họ cũng không chấp hành việc trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
Trong khi đó, các DN bảo hiểm nghi ngờ sự trung thực của ngư dân trong chuyện tàu bị chìm, hoặc rủi ro để trục lợi, nên ngại bán bảo hiểm tàu cá. Điều này làm cho ngư dân gặp khó trong hoạt động khai thác thủy sản, còn ngân hàng thì không thể thu hồi được nợ của ngư dân. Hơn nữa, theo các DN bảo hiểm, họ sẽ không bán bảo hiểm cho những tàu nằm trong danh sách nợ xấu ngân hàng, hoặc kết quả thẩm định giá trị còn lại của con tàu không đảm bảo.
Trước tình trạng này, các chủ tàu vỏ thép kiến nghị ngành chức năng cần đánh giá đúng và đầy đủ giá trị, chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng chiếc “tàu 67”, tránh tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”. Đó sẽ là cơ sở để DN bảo hiểm tiếp tục bán bảo hiểm cho các chủ tàu thật sự mong muốn làm ăn, để họ có điều kiện vươn khơi, trả nợ cho ngân hàng và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ khi thực hiện Nghị định 67 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 chiếc tàu vỏ gỗ của ngư dân Nguyễn Văn Trung, xã Bình Chánh (Bình Sơn) gặp sự cố, bị chìm khi đang khai thác thủy sản ngoài khơi. Sau khi xảy ra vụ việc, Tổng Công ty CP Bảo Minh đã tích cực phối hợp với chủ tàu và các cơ quan chức năng tiến hành giám định tổn thất, để kịp thời bồi thường cho ngư dân. Theo đó, Tổng Công ty CP Bảo Minh đã chi trả cho ngân hàng toàn bộ khoản nợ mà ông Trung vay để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. |
MỸ HOA