(Báo Quảng Ngãi)- Giữa những lời kêu cứu khẩn thiết của ngành mía đường gửi tới Chính phủ xin hoãn thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để ngành mía đường có thêm thời gian chuẩn bị, gần đây đích thân Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định giải pháp này là khó khả thi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khó khả thi, vì khi đàm phán về hiệp định thương mại này, vấn đề của ngành mía đường Việt Nam lại không được “khẩn thiết” đặt ra. Khi đã đặt bút ký vào hiệp định, thì sự trì hoãn lâu năm hay thay đổi là rất khó, vì nó vi phạm ngay vào những cam kết mà các bên tham gia hiệp định đã ký.
Và điều thật lạ lùng là, trong suốt những thăng trầm của ngành mía đường Việt Nam bao nhiêu năm qua, thân phận của người nông dân trồng mía rất ít khi được nhắc tới. Mà ai cũng biết, không có mía thì lấy đâu ra đường!
Sự phân công sản xuất trong kinh tế thị trường là điều đương nhiên, nhưng những bên tham gia cũng phải có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Tôi còn nhớ, những tháng năm ngành đường đang “được”, thì nông dân trồng mía luôn kêu than về sự đánh giá “chữ đường thấp” ở các nhà máy đường, khiến người trồng mía chịu thiệt thòi, còn nhà máy đường thì được hưởng lợi.
Chưa kể, những thiệt hại do thời tiết, do giá phân bón, do những tác động nhiều mặt trong những năm khó khăn ấy đã khiến nông dân, dù đeo bám vào những cánh đồng mía, vẫn không ngừng âu lo về thiệt hại, khi nhiều thiệt hại là không thể tránh khỏi. Nói thật, rất ít thấy gia đình nông dân trồng mía nào thật sự khá giả nhờ cây mía, trong khi không ít những trung gian buôn bán đường lại giàu có nhờ đường.
Cây mía đã có hồi được phong là “cây mũi nhọn”, đã được đưa vào các nghị quyết của nhiều đảng bộ địa phương, đã là niềm hy vọng về kinh tế của những vùng trồng mía, ai cũng nghĩ rồi cây mía cứ thế “nhọn” mãi ra. Nào ngờ... Chính việc không quan tâm tới người trồng mía, tới năng suất cây mía, đã dẫn tới thăng trầm ngày hôm nay. Vậy muốn cứu ngành đường, thì trước tiên, phải cứu cây mía, phải cứu người trồng mía. Nếu sản lượng mía cây trên một hecta đạt từ 120 tấn trở lên, thì lo gì cây mía Việt Nam không địch lại cây mía Thái Lan, lo gì đường Thái Lan cứ nhập lậu vào Việt Nam, lo gì những nhà máy đường Việt Nam phải phá sản?
Thái Lan đã có những chiến lược về cây mía, đã có những ưu đãi lớn cho người trồng mía, đã đưa năng suất mía cây lên trên 100 tấn/ha từ nhiều năm trước, đã hiện đại hóa công nghệ trồng mía, giúp người nông dân trồng mía thu lãi đủ có một đời sống khá giả, thậm chí giàu có. Đó là một chiến lược mang tầm quốc gia, được thực hiện một cách rộng khắp và đồng bộ, chứ không nhỏ lẻ hay chắp vá.
Bây giờ nhìn lại ở Việt Nam, mới chỉ thấy có Công ty CP Đường Quảng Ngãi từ mấy năm nay đã áp dụng chính sách “vì nông dân trồng mía”, dù chưa đến nỗi coi nông dân là “thượng đế”, nhưng đã ký với nông dân những hợp đồng từ khâu sản xuất cây mía tới khâu tiêu thụ. Những cánh đồng mía bạt ngàn ở An Khê đã được hiện đại hóa, công nghệ hóa tới mức cao, mang lại năng suất mía tăng vọt, tới 120 tấn/ha và hơn nữa.
Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã chịu đứng ra “làm thuê” cho nông dân trong sản xuất, để có được sản phẩm mía cây chất lượng tốt và năng suất cao. Cả nhà máy đường và nông dân trồng mía đều được hưởng lợi, thậm chí nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Chính sách “vì nông dân trồng mía” như thế chính là vì... nhà máy đường, vì giá thành đường đủ sức cạnh tranh, vì lợi nhuận của công ty. Nhưng nông dân hết sức ủng hộ, vì nó có lợi cho họ trước hết.
Tuy nhiên, mô hình này còn khá “cô đơn” trong ngành mía đường Việt Nam hiện nay. Bao giờ thì mô hình sản xuất này được nhân rộng trong toàn ngành mía đường? Chừng đó, chắc những lời “kêu cứu khẩn thiết” kia sẽ không còn nữa.
THANH THẢO