Đức Phổ trên hành trình "thay áo mới"

07:11, 04/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến nay, diện mạo các xã trên địa bàn huyện Đức Phổ đã có nhiều thay đổi. Nhiều địa phương đã khoác lên mình "chiếc áo mới" mang hình hài phố thị.
TIN LIÊN QUAN

Những ngày đầu xây dựng NTM, huyện Đức Phổ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Hệ thống hạ tầng giao thông, trường học, cơ sở y tế công lập, điện chiếu sáng... có hơn 50% đang trong tình trạng tạm bợ. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã còn ở mức cao so với trung bình của các huyện đồng bằng trong tỉnh.

Khi ý Đảng, lòng dân cùng một hướng

Nhớ lại thời điểm bắt tay triển khai kế hoạch xây dựng NTM, Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý kể: Đó chẳng khác nào là một cuộc “đại phẫu” để tái sinh vùng nông thôn. Các cuộc họp triển khai xuống cơ sở được gấp rút thực hiện, các phòng, ban, xã tích cực triển khai. Nhưng vài tháng sau thì bắt đầu nảy sinh những bất cập. Hàng loạt vấn đề được đặt ra, như nguồn vốn thực hiện, sự đồng thuận trong nhân dân, công tác quy hoạch... Gần 80% đường giao thông nông thôn, ngõ xóm là đường đất, các trạm y tế, trường học được xây dựng gần 20 năm trước đã xuống cấp.
Diện mạo nông thôn mới ở huyện Đức Phổ.
Diện mạo nông thôn mới ở huyện Đức Phổ.
Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và tìm giải pháp để xây dựng thích hợp nhất. Trong đó, huyện xác định thực hiện chủ trương chung nhưng phải tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương để triển khai. Không chạy theo thành tích, mà tập trung làm chắc. Nhờ xác định rõ xuất phát điểm của từng xã, từng cụm dân cư, nên việc triển khai sau đó có phần thuận lợi hơn và sự đồng thuận của người dân cũng cao hơn. Từ đó, chương trình xây dựng NTM được triển khai nhanh chóng và thu hút người dân tham gia.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Phước Hiền, để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, ngay từ đầu địa phương đã bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành và tỉnh; xây dựng kế hoạch cho từng năm. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo từng cấp để đảm bảo việc triển khai xuống cơ sở luôn đúng chủ trương và sát thực tế. Ngoài tập trung huy động nguồn vốn đầu tư từ trung ương, tỉnh, ngân sách huyện, các hội, đoàn thể cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và vận động, kêu gọi người dân hưởng ứng chương trình, như hiến đất mở đường, đóng góp ngày công lao động...

“Sau 10 năm, huyện đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng lên đến hơn 701 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp công sức, đất đai, tiền... trị giá hơn 241 tỷ đồng; xây dựng 210km đường giao thông nông thôn, sửa chữa kiên cố hóa 346km kênh mương thủy lợi, xây dựng mới 83km đường giao thông nội đồng và gần 2.200 bóng đèn thắp sáng đường quê. Người dân cũng đồng thuận trong việc dồn điền đổi thửa và đã thực hiện trên diện tích gần 1.700ha”, ông Hiền cho biết.

Nhờ làm tốt và có định hướng rõ ràng, nên diện mạo NTM huyện Đức Phổ ngày càng đổi thay. Đến nay, ngoài thị trấn Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại V, các xã Phổ Vinh, Phổ Hòa, Phổ An và Phổ Thuận đã đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch, các xã Phổ Thạnh, Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Cường, Phổ Minh và Phổ Quang đến cuối năm 2019 sẽ về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện lên 10/14 xã.

“Huyện xác định đến năm 2021 về đích NTM và đến năm 2025 có 50% số xã đạt chuẩn NTM cao và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%. Để đạt được mục tiêu này cần sự hỗ trợ tích cực từ UBND tỉnh, các bộ, ngành trung ương. Trong đó, cần bố trí nguồn lực tài chính để huyện đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân. Có như vậy huyện mới đạt được mục tiêu đề ra, còn nếu trông chờ vào nguồn ngân sách huyện và huy động từ sức dân thì rất khó đạt được”.

 Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ TRẦN PHƯỚC HIỀN

Hình thành vóc dáng đô thị

Theo thống kê của UBND huyện Đức Phổ, sau 10 năm xây dựng NTM, đến nay địa phương đã xây dựng mới gần 40km đường bê tông nông thôn, nâng tổng số kilômet đường xã được kiên cố lên 142/154km. Đối với đường thôn đã đầu tư mới gần 135km và đường xóm, ngõ hẻm được đầu tư kiên cố 213/273km. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Võ Thanh Hùng, ngoài chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, thì các công trình khác như thủy lợi, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa... cũng được đầu tư và từng bước hoàn thiện, tạo nên bộ mặt đô thị khang trang trên toàn huyện.
Nhiều tuyến đường nông thôn ở huyện Đức Phổ đã được bê tông.
Nhiều tuyến đường nông thôn ở huyện Đức Phổ đã được bê tông.
Xã Phổ Thạnh là một trong những địa phương trên địa bàn huyện có sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế mạnh nhất. Đến nay, xã Phổ Thạnh đã đạt 13/19 tiêu chí của xã NTM. Dù còn đến 6 tiêu chí chưa đạt chuẩn, song diện mạo của xã cực nam đã mang vóc dáng của đô thị, với những dãy nhà cao tầng san sát mọc lên, cửa hàng, cửa hiệu buôn bán ngày một nhiều. Đặc biệt, hệ thống điện chiếu sáng công cộng được đầu tư bài bản, đưa khu vực trung tâm xã Phổ Thạnh trở thành phố thị khi đêm xuống.

Xuôi về phía bắc, nằm bên trục Quốc lộ 1, xã Phổ Thuận hiện ra với những tuyến đường bê tông kết nối hoàn thiện từ nhà dân ra đến đồng ruộng. Sức sống mới hiện lên rõ ràng hơn với những xóm làng trù phú. Chủ tịch UBND xã Phổ Thuận Nguyễn Quang Thống cho biết: Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, ngay từ đầu địa phương đã tích cực trong việc huy động nguồn lực đầu tư, vận động nhân dân tham gia. Nhờ đó, đến nay diện mạo của xã đã khởi sắc rất nhiều. Toàn xã đã bê tông trên 25km đường làng, ngõ xóm; 15km kênh mương nội đồng. Thu nhập bình quân đầu người gần 36 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,35%. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư, hoàn thiện.

Theo ông Thống, công cuộc xây dựng NTM như một luồng gió mới đã đưa Phổ Thuận từ xã thuần nông trở thành địa phương có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; tỷ lệ hộ dân phi nông nghiệp chiếm gần 40%. Dù đã đạt chuẩn NTM, song thời gian đến địa phương sẽ tiếp tục đầu tư để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu phát triển và mong mỏi của người dân.

Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Phước Hiền cho biết thêm: Dù đã có những chuyển biến tích cực và đời sống người dân dần thay đổi sau chặng đường 10 năm xây dựng NTM. Song, qua thực tiễn thì các xã đã về đích NTM có chất lượng các tiêu chí còn thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn; việc liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế; đời sống người dân được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp.

Bài, ảnh: P.DANH - L.ĐỨC







 

.