(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng gay gắt và kéo dài, làm nhiều diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị khô héo. Điều này không chỉ khiến người trồng mía khổ vì tốn thêm chi phí, lại thất thu, mà Nhà máy Đường Phổ Phong (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) cũng thấp thỏm cảnh “đói” nguyên liệu...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người trồng mía thiệt “kép”
“Trong số 7ha mía thì có 3ha mía tơ mới trồng, nhưng do thiếu nước, nên nhiều diện tích mía bị khô héo, còi cọc, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng”, ông Trần Mười, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) cho biết.
Ruộng mía gần 7ha của ông Mười thuộc vùng chuyên canh mía, nên từ khâu làm đất, bón phân và trồng đều bằng cơ giới. Vì vậy, năng suất và chất lượng mía khá cao, gần 80 tấn/ha và chữ đường đạt 10CCS. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn hán, nên niên vụ mía 2019 - 2020, ông Mười lo năng suất có nguy cơ giảm 20 - 30%.
Nhiều diện tích mía bị khô héo khiến nông dân lao đao, nhà máy đường Phổ Phong thì thiếu hụt nguyên liệu. |
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, xã Đức Phú (Mộ Đức) cũng đang thấp thỏm, lo thua lỗ trong vụ mía này. “Vì trồng ở khu vực chân cao, gò đồi, cây mía chủ yếu sống nhờ nước trời. Tuy nhiên, thời gian qua, mưa ít nắng nhiều, khiến mía tơ bị chết héo, còn mía lưu gốc thì lại... phát triển rễ”, bà Ngọc cho biết. Vì vậy, dù đã được 5 tháng, nhưng nhiều diện tích mía của gia đình bà Ngọc rơi vào cảnh “cây còi cọc, cây chết khô”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), trừ những vùng chuyên canh, phần lớn diện tích mía được trồng ở những khu vực không chủ động nước tưới. Hiện đơn vị cũng chưa thể thống kê cụ thể diện tích và mức độ mía bị thiệt hại do hạn hán gây ra.
Trong khi đó, người trồng mía hiện đang lo lắng, bởi trồng mía tốn kém, mà giá mía nguyên liệu niên vụ 2018 - 2019 chỉ dao động từ 590 - 770 nghìn đồng/tấn, tùy vào chữ đường. Trong khi đó, dự báo giá mía nguyên liệu vụ 2019 - 2020 cũng chưa có dấu hiệu phục hồi, nên nếu năng suất và chất lượng mía giảm, người trồng mía chắc chắn sẽ bị lỗ nặng.
Nhà máy đường “đói” nguyên liệu
Nắng nóng diễn ra từ đầu vụ, nên sau khi thu hoạch mía xong, một số nông dân chuyển đổi cây trồng khác, có hộ tiếp tục gắn bó với cây mía, nhưng lại rơi vào cảnh... thiệt hại sớm! Chính vì vậy, diện tích và sản lượng mía niên vụ 2019 - 2020 tiếp tục giảm, nên Nhà máy Đường Phổ Phong có nguy cơ rơi vào cảnh “đói” nguyên liệu.
Được biết, niên vụ mía 2018 - 2019, diện tích mía trên địa bàn tỉnh khoảng 2.350ha, giảm 150ha so với vụ mía 2017 - 2018, năng suất bình quân đạt 59 tấn/ha, sản lượng đạt trên 138,6 nghìn tấn, chỉ đáp ứng khoảng 80% công suất hoạt động của Nhà máy Đường Phổ Phong.
Trước tình hình nắng hạn, chính quyền các địa phương cũng kiến nghị nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí chống hạn. Bên cạnh đó, người trồng mía cũng mong Nhà máy Đường Phổ Phong chia sẻ và có chính sách hỗ trợ khó khăn, nhất là với những hộ quyết tâm gắn bó với cây mía.
Đó là tiếp tục ưu đãi về giống, phân bón, đồng thời hỗ trợ đầu tư để mua sắm dụng cụ nông nghiệp, nhưng không tính lãi như: Máy bơm nước, giếng khoan, hệ thống tưới nhỏ giọt... giúp người trồng mía “vượt hạn” và cũng là để duy trì và phục hồi diện tích vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, cần quy hoạch và tập trung xây dựng vùng chuyên canh mía để ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc, để tăng độ ẩm và hạn chế thất thoát nước cho đất.
Cả hai cùng khó Niên vụ mía 2019 - 2020, Nhà máy Đường Phổ Phong đã hỗ trợ nông dân làm đất, phân bón với số tiền 11,5 tỷ đồng. Vì vậy, nếu năng suất và sản lượng mía giảm, ngoài việc nhà máy không đủ nguyên liệu, thì người trồng mía cũng không có tiền để trả nợ cho nhà máy. |
Bài, ảnh: MỸ HOA