(Báo Quảng Ngãi)- Xét thấy những mô hình “tự phát” như chanh thơm, cây tiêu Tây Nguyên của người dân xã Bình Thanh Đông (Bình Sơn), Phổ Vinh (Đức Phổ) mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền đã nhanh chóng đầu tư, nhân rộng và đưa đi quảng bá nhiều nơi. Đây cũng là cách làm hay mang tính bền vững, đồng thời giải quyết được đề án “Mỗi xã một sản phẩm” mà các xã đang loay hoay đi tìm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Triển vọng từ chanh thơm
Về xã Bình Thanh Đông, nhắc tới ông Phạm Huỳnh, thôn Tham Hội 3, thì hầu hết ai cũng biết. Bởi ông chính là người tiên phong trong việc trồng cây chanh thơm ở địa phương. Từ vài sào chanh của ông, người dân đã phát triển lên đến 6ha và hiện giờ, xã đang lên kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh lên hơn 10ha. Kinh phí thực hiện khoảng 200 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh Đông Trương Văn Hiền cho biết: “Hiện chúng tôi đang đặt giống chanh thơm tại chỗ ông Huỳnh. Sau khi có giống, người dân tham gia vùng chuyên canh sẽ tiến hành trồng. Mô hình trồng chanh thơm rất có triển vọng, khi đầu ra của sản phẩm đã có nơi tiêu thụ, giá cả cũng ổn định”.
Cây chanh thơm ở xã Bình Thanh Đông (Bình Sơn) đã trở thành "sản phẩm riêng" của địa phương này. |
Cây chanh thơm khác với những loại chanh khác, đó là có mùi thơm đặc trưng, vì xuất xứ ở những vùng núi cao. Khi trồng trên đất Bình Thanh Đông, chanh thơm vẫn giữ được các đặc điểm vốn có đó. Người dân chăm sóc kỹ, cây chanh cho quả nhiều, năng suất đạt cao. Nhờ đó, người dân thu hoạch liên tục mà không cần tính đến mùa vụ.
Anh Hà Văn Tư, một trong những người dân vừa nhân rộng mô hình chanh thơm ở thôn Tham Hội 1, cho biết: “Trước kia, gia đình chỉ trồng vài chục gốc, sau đó thấy hiệu quả, tôi đã trồng thêm và giờ đã có hơn 130 gốc. Giá chanh quả thấp nhất cũng 35 nghìn đồng/kg, lúc cao thì 60 nghìn đồng/kg và thương lái tìm đến tận nơi để mua, nên mình không lo đầu ra”.
Tiêu Tây Nguyên bén duyên xứ Quảng
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Nại, thôn Lộc An, xã Phổ Vinh (Đức Phổ), mang 100 gốc tiêu giống ở Tây Nguyên về quê trồng. Sau hai năm, cây tiêu cho thu hoạch. Xét thấy năng suất rất đạt và giá cả lại cao, nên ông liên tục nhân rộng diện tích trồng.
Đến nay, ông Nại đã có hơn 600 gốc tiêu cho thu nhập đều đặn hằng năm. Trước sự thành công từ mô hình trồng tiêu của ông Nại, người dân xã Phổ Vinh cũng đã học hỏi theo, họ xây trụ và tiến hành trồng loại cây này. Đến nay, chính quyền xã đã có chủ trương tăng thêm diện tích và phát triển vùng chuyên canh.
Tiêu Tây Nguyên đã bén duyên với đồng đất xã Phổ Vinh (Đức Phổ). |
Chủ tịch UBND xã Phổ Vinh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Hiện địa phương đã lên kế hoạch cho nông dân trồng giống tiêu Tây Nguyên, với diện tích lên đến 3,57ha, tổng kinh phí 95 triệu đồng. Xã sẽ hỗ trợ 34 hộ tham gia trồng và hình thành vùng chuyên canh.
Vừa qua, địa phương cũng đã mang sản phẩm hạt tiêu để đi giới thiệu và quảng bá với các địa phương khác trong các chương trình mà tỉnh tổ chức. Tuy nhiên, địa phương đang cần sự trợ lực của các cấp, nhằm khắc phục những khó khăn để việc phát triển hạt tiêu là sản phẩm riêng của xã Phổ Vinh”.