Phòng, chống dịch tả heo Châu Phi: Cần tính đường dài cho người chăn nuôi

09:08, 22/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến ngày 16.8, dịch tả heo Châu Phi (ASF) đã xuất hiện ở 74 xã của 13 huyện, thành phố trong tỉnh. Tổng số heo bị mắc bệnh, buộc tiêu hủy là gần 13 nghìn con, với tổng trọng lượng gần 662 tấn. Ngành nông nghiệp đã phân bổ 22.928 lít hóa chất để các địa phương tổ chức phòng chống bệnh ASF.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều bất cập...

Hiện nay, công tác phòng, chống dịch ASF gặp nhiều khó khăn, do việc truyền nhiễm của vi rút dịch bệnh này kiểu rất nhanh. Mặt khác, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại còn lẫn trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi cao, số cơ sở chăn nuôi an toàn còn rất ít... Để khôi phục lại việc chăn nuôi, theo ngành chuyên môn là rất khó và cần thời gian dài.

“Bên cạnh nguồn vốn hạn hẹp, người chăn nuôi chưa hiểu rõ sự nguy hiểm, nên chưa áp dụng các biện pháp an toàn sinh học triệt để. Thậm chí, khi phát hiện heo bệnh, có tình trạng người dân không khai báo, bán tháo heo bệnh, nên nguy cơ lây lan rất lớn”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ cho biết.

Để ứng phó với dịch ASF, cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Để ứng phó với dịch ASF, cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.

Một bất cập lớn hiện nay là, người dân thường tận dụng thức ăn thừa để phục vụ chăn nuôi heo, nhưng thức ăn được thu gom từ nhiều nguồn, nên không thể kiểm soát được nguồn bệnh, trong khi công tác vệ sinh, tiêu độc, sát trùng còn chậm và chưa đúng kỹ thuật... Hơn nữa, điều kiện cơ sở vật chất tại một số Trạm Kiểm dịch động vật và chốt chặn không đảm bảo; cộng với tình trạng thiếu dự trữ vôi bột, hóa chất cục bộ nên con người, xe cộ thường xuyên ra vào vùng dịch để vận chuyển cũng khiến dịch bệnh lây lan.

Cần trợ lực cho người chăn nuôi

Ngau sau khi xảy ra dịch bệnh ASF, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào “toàn dân tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi”. Để “cắt” dịch, bên cạnh công tác tiêu độc khử trùng môi trường, tiêu hủy heo bệnh, lực lượng chức năng còn tiêu hủy toàn bộ lượng thức ăn chăn nuôi còn dư thừa, nên người chăn nuôi bị thiệt hại kinh tế rất lớn.

Trong khi đó, mức hỗ trợ theo Nghị định 02/2017 hay Nghị quyết 16 lại thấp, không quá 38.000 đồng/kg heo hơi, khiến người chăn nuôi kiệt quệ, không đủ nguồn lực tái đàn sau này. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại do dịch ASF gây ra, chính quyền và ngành chuyên môn kiến nghị tỉnh hỗ trợ theo giá thị trường, để người dân yên tâm và chủ động báo cáo tình hình dịch bệnh.

Cùng với đó, tỉnh cũng cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp (DN) tích cực tham gia việc cấp đông, dự trữ thịt heo sạch như: Chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông... cũng như đề xuất các ngân hàng thương mại ưu tiên những gói vốn vay có lãi suất ưu đãi; đồng thời, các ngành liên quan tạo điều kiện trong việc chứng nhận các sản phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu của DN, để hỗ trợ việc tổ chức cấp đông, ổn định thị trường thịt heo...

Với những diễn biến phức tạp, cuộc chiến phòng chống dịch ASF sẽ còn lâu dài, nên rất cần sự đồng lòng của cả chính quyền, người dân và DN. Vì vậy, song song với việc nghiên cứu, tìm sinh kế mới cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp khuyến cáo tất cả các cơ sở, DN, hộ chăn nuôi lớn nhỏ không tái đàn vào lúc này. Khi nào dịch bệnh được kiểm soát, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ có thông báo tăng đàn trở lại.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 

.