TIN LIÊN QUAN |
---|
Hơn 7 năm vẫn chưa thể di dời
Tháng 4.2012, sau khi dự án VSIP được cấp chủ trương đầu tư, UBND tỉnh thống nhất di dời Nhà máy mì Tịnh Phong ra khỏi vị trí hiện tại, để nhường đất cho dự án VSIP. Tuy vậy, đã 7 năm trôi qua, việc di dời nhà máy vẫn "dậm chân tại chỗ", dù vị trí mặt bằng mới để thực hiện việc di dời nhà máy đã được Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đồng ý. Song, vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn di dời nhà máy bị vướng, dẫn đến kế hoạch di dời kéo dài hết năm này qua năm khác.
Nhà máy mì Tịnh Phong vẫn hoạt động, dù đã có kế hoạch di dời từ năm 2012. |
Những ngày đầu tháng 8.2019, Nhà máy mì Tịnh Phong vẫn hoạt động bình thường. Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Trần Ngọc Hải cho biết: Công ty sẵn sàng di dời nhà máy cách đây mấy năm rồi, nhưng giữa UBND tỉnh và VSIP chưa thống nhất phương án di dời. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy, bởi nhiều hạng mục xuống cấp, nhưng để duy tu bảo dưỡng cũng phải tính toán.
“Tinh thần của công ty là sẵn sàng di dời, nhưng thời gian di dời phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thời vụ mùa nguyên liệu. Đồng thời, phải hoàn thành mặt bằng tại CNN Bình Long, phải ứng tiền để công ty xây dựng hạ tầng khung theo đúng thiết kế, dự toán công trình được Sở Xây dựng thẩm định trước khi di dời toàn bộ công trình. Công ty không thể ứng tiền để làm trước được”, ông Hải đề nghị.
“Tỉnh đang chọn phương án cụ thể. Việc di dời, giao đất là cấp bách, song phải thận trọng, nếu không sẽ vướng các quy định của pháp luật. Để tháo gỡ những tồn tại là cả một vấn đề, không phải một sớm một chiều mà làm được. Đến giờ vẫn chưa thể xác định thời gian cụ thể để di dời Nhà máy mì Tịnh Phong, vì các khó khăn vẫn chưa tháo gỡ được”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh VÕ PHIÊN |
Chưa thống nhất phương án hỗ trợ
Để đảm bảo tiến độ di dời Nhà máy mì Tịnh Phong, tháng 11.2018, BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã có công văn đề nghị Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi ứng tiền bồi thường. Tuy nhiên, Công ty VSIP cho rằng, việc di dời Nhà máy mì Tịnh Phong thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh theo tinh thần biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Bình Dương và Quảng Ngãi, nên VSIP không thể thực hiện chi trả tiền bồi thường.
Theo Phó trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Đức Thắng, qua nghiên cứu Điều 30, Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn vốn để di dời Nhà máy mì Tịnh Phong thuộc trách nhiệm của VSIP, tỉnh chỉ có trách nhiệm giao đất, cho thuê đất. Tiền mà VSIP chi trả để di dời Nhà máy mì Tịnh Phong sẽ được UBND tỉnh khấu trừ vào tiền sử dụng đất, thuê đất.
Về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ, thì xem xét yếu tố tận dụng máy móc, thiết bị cũ còn sử dụng được, để lắp đặt lại. Tỉnh chỉ xem xét đầu tư mới hệ thống xử lý môi trường. Theo phương án này, BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ di dời Nhà máy mì Tịnh Phong, với số tiền gần 95,5 tỷ đồng.
Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông báo số 111, nêu rõ: "Việc đầu tư mới dự án Nhà máy mì Tịnh Phong tại CCN Bình Long phải theo công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường và cuộc sống của người dân trong khu vực”. Theo chủ trương này, việc đầu tư mới sẽ cần số tiền khoảng 130 tỷ đồng. Do chưa thống nhất phương án di dời, nên Nhà máy mì Tịnh Phong vẫn “dậm chân tại chỗ”.