Phòng chống thiên tai: Đừng để ngư dân "tự bơi"

04:08, 21/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hệ thống thông tin liên lạc trục trặc, thiết bị giám sát hành trình chưa được lắp đặt, vũng neo đậu tàu thuyền quá tải và luồng lạch không đảm bảo an toàn... là những khó khăn mà ngư dân phải đối mặt trong mùa mưa bão năm nay.
TIN LIÊN QUAN

Ngoài việc giúp các cơ quan quản lý chủ động kiểm tra và giám sát tàu cá, thiết bị giám sát hành trình còn thu thập các dữ liệu về khí tượng, đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo các sự cố thiên tai trên biển, giúp ngư dân chủ động phòng tránh.
 
Vũng neo đậu tàu thuyền quá tải là một trong những nỗi lo của ngư dân trong tỉnh mỗi khi bước vào mùa mưa bão.
Vũng neo đậu tàu thuyền quá tải là một trong những nỗi lo của ngư dân trong tỉnh mỗi khi bước vào mùa mưa bão.
Chính vì vậy, Nghị định 26 quy định việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên phải hoàn thành trước ngày 1.7.2019, nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa có chiếc tàu nào thực hiện. Nguyên nhân, theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) là do Bộ NN&PTNT chưa phân bổ thiết bị, cũng như chưa ban hành danh mục thiết bị đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Vì vậy, dù rất muốn, nhưng Chi cục Thủy sản cũng không có cơ sở để hướng dẫn ngư dân thực hiện.
Từ năm 2018 đến nay, trên vùng biển từ tỉnh Quảng Trị đến Bình Định, xảy ra 289 vụ tai nạn trên biển, làm 40 người chết, 59 người bị thương, 38 người mất tích, 85 phương tiện hư hỏng và 53 phương tiện bị chìm. Nguyên nhân chủ yếu là do giông lốc, tàu hỏng máy, đâm va trên biển, mắc cạn, cháy nổ, ngư dân rơi xuống biển mất tích, bất cẩn trong sản xuất...

Trong khi đó, thiết bị liên lạc được nhiều ngư dân sử dụng phổ biến là máy Icom. Tuy nhiên, máy Icom chỉ liên lạc thông suốt trong điều kiện thời tiết thuận lợi, còn khi mưa gió bất thường, thì máy Icom lại bất ổn, khiến ngư dân không thể tiếp nhận các thông tin thời tiết, nên không kịp thời ứng phó với các sự cố thiên tai.

“Điện thoại không liên lạc được, chúng tôi chỉ biết bám vào máy Icom, nhưng vào mùa biển động, sóng Icom rất yếu, liên lạc lúc được lúc mất, nên mình rất bất an”, ngư dân Phạm Tấn Vân, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các máy Icom trên địa bàn tỉnh được lắp đặt vào năm 2004, thuộc dự án giảm nhẹ thiên tai cộng đồng do nước ngoài tài trợ. Gần 15 năm hoạt động, lại không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nên chất lượng máy giảm sút. Khắc phục tình trạng này, một số ngư dân đầu tư sắm mới hoặc nâng cấp thiết bị thông tin liên lạc trên tàu, hoặc học cách sử dụng bản đồ theo dõi đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới...

Một khó khăn khác của ngư dân trước mỗi mùa mưa bão là các cảng cá hoặc vũng neo đậu quá tải, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu; còn luồng lạch các cửa biển thì bồi lấp, nên không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền mỗi khi ra vào. “Biết vậy, nhưng chúng tôi cũng “lực bất tòng tâm”. Đơn vị thường xuyên phản ánh, đề xuất giải pháp khắc phục, nhưng cấp trên vẫn chưa bố trí kinh phí để nâng cấp, khắc phục, nên đành chịu”, Giám đốc Ban quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết.

Trong khi chờ đợi các cảng cá và vũng neo đậu của tỉnh được nâng cấp, mở rộng, nhiều ngư dân trong tỉnh đã phải đưa tàu đến neo đậu tại các cảng cá ngoài tỉnh. Chính vì “neo nhờ ở đậu”, nên để có được chỗ đậu tàu an toàn, ngư dân trong tỉnh cũng phải “gánh” rất nhiều loại phí.

“Ngoài chi phí neo đậu, chúng tôi còn phải trả phí cao cho hàng chục loại dịch vụ đi kèm. Thậm chí, dù không cần người trông coi tàu, nhưng để tránh rủi ro tôi vẫn phải trả “tiền thuê người trông tàu” cho 1-2 lao động địa phương”, ngư dân P.T.V, xã Tịnh Kỳ cho biết.

Bài, ảnh: THANH PHONG
 

.