Dấu ấn 30 năm mở đường

08:07, 01/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, có hơn 8.000km đường giao thông được mở mới, nâng tổng số kilômét đường giao thông trên toàn tỉnh lên gần 10.000km. Qua đó, góp phần tạo động lực quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua và hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trong thời gian đến.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày đầu sau tái lập tỉnh, Quảng Ngãi được xếp vào diện những tỉnh nghèo nhất nước. Hạ tầng giao thông (HTGT) chắp vá, tạm bợ. Hầu hết các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, đường xã đi lại rất khó khăn. Toàn tỉnh có gần 1.500km đường các loại, nhưng chỉ cứng hóa chưa đến 25%.

Gian nan công cuộc mở đường

Nhớ lại ba mươi năm trước, đến giờ ông Cao Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi vẫn không thể nào quên những tháng ngày vất vả ngược xuôi, trèo đèo, lội suối để mở đường. Ông Thủy bảo: Ngày đó toàn tỉnh có hệ thống quốc lộ 167km, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa chỉ đạt 66,5%; 7 tuyến đường tỉnh (179km) chỉ được nhựa hóa, cứng hóa 55,8%; còn 967km đường huyện, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa chỉ 2,1%. Có đến 63km đường đô thị và 24km đường xã chưa được nhựa hóa, cứng hóa; mặt đường bị lầy lội vào mùa mưa, gây khó khăn trong việc lưu thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một trong những công trình giao thông trọng điểm qua địa bàn tỉnh có sự góp sức rất lớn của cán bộ, nhân viên ngành GTVT tỉnh.                       ẢNH: BÙI THANH TRUNG
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một trong những công trình giao thông trọng điểm qua địa bàn tỉnh có sự góp sức rất lớn của cán bộ, nhân viên ngành GTVT tỉnh. ẢNH: TƯỜNG LINH

Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong xây dựng HTGT, tập trung xây dựng những tuyến đường huyết mạch. “Nói thì vậy, nhưng gian nan vô cùng. Đơn cử như trước đây tuyến đường từ thị xã Quảng Ngãi đi Minh Long được tỉnh Nghĩa Bình đầu tư tới Nghĩa Hành. Đoạn còn lại gập ghềnh, xe ô tô chỉ đi được vào mùa khô, còn mùa mưa thì cô lập hoàn toàn.

Rồi các tuyến đường khác, như Tỉnh lộ 623 từ Di Lăng đi Sơn Tây bây giờ, ngày đó chỉ là đường mòn, muốn lên xã Sơn Dung phải mất cả ngày đường cắt rừng. Các địa phương khác cũng không khá hơn, thậm chí có những xã mà từ huyện vào đến nơi chỉ có thể đi bộ. Để mở đường, cán bộ, nhân viên ngành giao thông phải "băng rừng, ngủ núi” cả tháng trời để khảo sát, đo vẽ trước khi thiết kế và lập dự án đầu tư”, ông Thủy nhớ lại.

Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng những người làm công tác mở đường quyết tâm không lùi bước. Cứ thế, những con đường mới lần lượt được mở ra, tạo ra một mạng lưới giao thông xuyên suốt. Những công trình như: Đường Sông Trường - Trà Bồng - Bình Long; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (đoạn Dung Quất - Trà Khúc); đường Sơn Hà - Ba Tiêu; Sơn Hà - Sơn Tây... và nhiều trục đường quan trọng khác, tạo động lực phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, hệ thống HTGT của Quảng Ngãi đã thay đổi mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 354,37km (tăng 2,1 lần); 11 tuyến đường tỉnh dài 417,4km (tăng 2,2 lần) được nhựa hóa, cứng hóa đạt 100%; có 95,6% trong tổng số 276km đường đô thị (tăng 4,9 lần), 66,8% trong số 1.361km đường huyện (tăng 1,4 lần) và hơn 68% trong tổng 1.626,7km đường xã (tăng 67 lần) được nhựa hóa, cứng hóa.

Ngoài ra, tỉnh còn phát triển các tuyến đường nội bộ, đường chuyên dùng, đường thôn, khối phố, đường kênh Thạch Nham, với tổng chiều dài gần 5.800km. Hiện nay, tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn tỉnh là 9.893km, tăng hơn 7 lần so với thời điểm năm 1989.

"Kết cấu HTGT có vai trò nền móng, là tiền đề hết sức quan trọng cho mọi hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Chính vì vậy, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần phải được ưu tiên đi trước. Nhận thức được điều đó, nên sau 30 năm ngành GTVT đã xây dựng được một mạng lưới giao thông thuộc hàng tốp đầu trong cả nước", Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương nhận định.

“Ngành GTVT Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, tham mưu xây dựng, đổi mới thể chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính... Qua đó, tích cực tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu HTGT, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".

 Giám đốc Sở GTVT HÀ HOÀNG VIỆT PHƯƠNG

Dồn sức phát triển hạ tầng giao thông

Nguyên Giám đốc Sở GTVT Cao Xuân Thủy cho rằng, khẩu hiệu của ngành giao thông là “đi trước mở đường” luôn đặt trên vai của cán bộ ngành GTVT. Ngày đó, nếu chúng tôi không quyết tâm thì sẽ không thể tạo ra một bệ phóng vững chắc cho hôm nay. để tiếp nối truyền thống mở đường, ngành GTVT cần có tầm nhìn chiến lược, phải huy động mọi trí tuệ, nguồn lực xã hội để đóng góp cho công cuộc mở đường”, ông Thủy chia sẻ.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, hệ thống giao thông của Quảng Ngãi đã mở rộng và đẹp hơn rất nhiều. Nhận thức tầm quan trọng trong việc mở đường, những năm qua, ngành GTVT đã tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy quyết định chủ trương đầu tư hàng loạt dự án giao thông quan trọng, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi, nhất là các nhà đầu tư FDI, nhằm góp phần thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đang tổ chức đánh giá lại kết quả thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020, để từ đó điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017. Trong đó, sẽ tập trung quy hoạch, phát triển kết cấu HTGT đường bộ theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các trục đường mang tính kết nối, lan tỏa.

Tiếp đến là đầu tư mở rộng, nâng cấp kỹ thuật hệ thống đường bộ hiện có để bảo đảm kết nối các vùng miền, trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Hoàn thiện kết cấu HTGT đến các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững. 

Lê Đức
 


.