(Báo Quảng Ngãi)- Tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh năm 2018 hơn 4.780 tỷ đồng, gồm cả vốn ngân sách trung ương và vốn của tỉnh (riêng vốn chuyển tiếp năm 2017 sang hơn 520 tỷ đồng). Ngoài ra, còn khoảng 1.000 tỷ đồng từ vốn khai thác quỹ đất của các địa phương và nguồn vượt thu năm 2017.
Ngay sau khi các địa phương lập kế hoạch đầu tư, tỉnh đã tiến hành phân bổ vốn cho từng đơn vị đối với từng dự án và yêu cầu đến cuối năm 2018 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Tuy nhiên, đến 30.9.2018, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 63%. Hiện có rất nhiều sở, ngành, địa phương và Ban quản lý các dự án đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp.
Đơn cử như: UBND huyện Bình Sơn mới đạt 40,1%; UBND huyện Minh Long đạt 48,1%; Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp đạt 58,2%, Sở NN&PTNT 21,7%; Sở Y tế 44,8%; Liên đoàn Lao động tỉnh 36,8%... Thậm chí, Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi tỷ lệ giải ngân là 0%, với nguồn vốn được giao là 89 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (bên trái) kiểm tra thực tế dự án do QISC làm chủ đầu tư. |
Một vấn đề khác là tổng nguồn vốn chuyển tiếp năm 2017 sang hơn 520 tỷ đồng, đến nay mới chỉ giải ngân được 291 tỷ đồng (đạt 56%). Đến 31.12.2018, nguồn vốn sẽ hết hạn, bởi nếu không giải ngân được, trung ương sẽ thu hồi.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng: "Đơn vị nào để mất vốn phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy"
Thời gian còn lại của năm tài chính 2018 không còn nhiều, do đó các đơn vị phải tập trung thực hiện, hoàn thành việc giải ngân vốn theo đúng kế hoạch đề ra. Đối với nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2017 sang phải hoàn thành giải ngân 100%. Riêng vấn đề vướng chuyển nguồn đối với Chương trình 135 thực hiện theo Nghị định 161, đề nghị Kho bạc Nhà nước hướng dẫn kho bạc các huyện, thành phố thực hiện cho đúng. Đối với các dự án vướng giải phóng mặt bằng, đề nghị tập trung chỉ đạo sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, giám sát đẩy nhanh tiến độ xây lắp, giải ngân để đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch vốn.
Đến thời điểm này, dự án nào có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, đề nghị Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh điều chuyển sang dự án khác, cần thiết thì cắt vốn. Đến ngày 30.11, dự án nào giải ngân dưới 50% thì đến ngày 5.12, Sở KH&ĐT phối hợp cùng các sở, ngành khác tham mưu để điều chuyển vốn sang dự án khác. Đối với các dự án đến 30.11, đạt tỷ lệ giải ngân trên 90% thì chuyển vốn từ dự án giải ngân thấp sang để giải ngân khối lượng.
Quảng Ngãi là tỉnh còn nghèo, nên có được nguồn vốn đầu tư từ trung ương phân bổ là rất đáng mừng, phải chắt chiu sử dụng và không được để mất vốn. Chủ đầu tư nào để mất vốn phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái: "Khẩn trương giải ngân để đảm bảo kế hoạch vốn"
Để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2018, các chủ đầu tư phải thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công về tiến độ thực hiện, theo dõi nhật ký công trình, chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.
Khẩn trương nghiệm thu, lên khối lượng và thanh toán khối lượng cho đơn vị thi công, không để dồn vào cuối năm. Sở tham mưu UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn ngay trong tháng 11.2018, theo nguyên tắc cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án đến 31.10 giải ngân thấp hơn 30% kế hoạch vốn, để bổ sung cho các dự án hoàn thành trong năm 2018. Đồng thời, điều chuyển lần cuối cùng vào tháng 12.2018 sát với tình hình và khả năng thực hiện thực tế của từng dự án.
Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải: "Giải ngân chậm là do vướng mặt bằng"
Tổng nguồn vốn năm 2018 giao cho Sở làm chủ đầu tư hơn 60,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn chuyển tiếp năm 2017 hơn 28 tỷ đồng, gồm cả vốn trung ương và vốn địa phương.
Đến nay, đã giải ngân được hơn 9,1 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do quá trình thi công các dự án gặp khó khăn về mặt bằng và kéo dài từ năm 2016 sang, dẫn đến khối lượng thi công năm 2018 đa phần là bù vào nguồn vốn bố trí cho năm trước. Dù vậy, với hiện trạng mặt bằng đã bàn giao 100% như hiện nay, đến cuối năm 2018, chúng tôi sẽ cơ bản hoàn thành việc giải ngân hết 100% số vốn chuyển tiếp từ năm 2017 sang và đến 31.1.2019 sẽ giải ngân hết 30% vốn bố trí của năm 2018, vì khối lượng thi công thực tế hiện nay đáp ứng tiến độ và vấn đề giải ngân không quá lo ngại.
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành: "Thiếu vốn để về đích nông thôn mới"
Năm 2018, năm cuối cùng trong mục tiêu đưa huyện Tư Nghĩa về đích nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư hạn chế, nên rất khó để hoàn thành các chỉ tiêu căn bản và về đích NTM là cả vấn đề. Năm 2018, tổng nhu cầu vốn của huyện là 200 tỷ đồng, UBND tỉnh phân bổ hơn 70 tỷ đồng, còn lại là vốn của huyện, chủ yếu khai thác từ quỹ đất. Trong khi rất nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện xuống cấp, huyện cũng đã có kế hoạch duy tu, sửa chữa để đạt điểm về đích NTM. Tuy nhiên, duy tu sửa chữa chỉ đảm bảo một mức độ nhất định, về lâu dài thì không ổn, vì các tuyến đường này đã hư hỏng nặng.
Về công tác giải ngân vốn, đến nay huyện đạt trên 87%. Để đạt được kết quả giải ngân trên, ngay từ đầu huyện lập danh mục đầu tư và “bắt bệnh” cụ thể từng dự án, cũng như xác định khả năng thực hiện của các chủ đầu tư để có phương án bố trí vốn phù hợp. Hầu hết các dự án đạt tỷ lệ khối lượng thi công luôn cao hơn vốn giải ngân, nên vấn đề hoàn thành giải ngân vốn năm 2018 là rất khả thi. Mấu chốt hiện nay là để hoàn thành mục tiêu về đích NTM, huyện cần được “tiếp sức”, chứ với nguồn vốn được phân bổ thì nếu có về đích, e là sẽ “nợ” một số tiêu chí phụ.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) Võ Sinh Quân: "Về đích NTM, nhưng nhiều công trình vẫn chờ vốn"
Năm 2018, chỉ tiêu phân bổ kinh phí cho xã là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì tổng mức đầu tư đối với các tiêu chí như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... là khoảng 100 tỷ đồng.
Do nguồn kinh phí đầu tư phân bổ dưới 20 tỷ đồng, nên dù đến cuối năm 2018 sẽ về đích NTM, nhưng địa phương vẫn còn rất nhiều hạng mục công trình chưa được đầu tư như: Đường giao thông nông thôn còn trên 7km đường đất, 5km kênh mương nội đồng chưa được kiên cố hóa, nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã...
Lê Đức
(thực hiện)