(Báo Quảng Ngãi)- Dự án cầu Cửa Đại là công trình giao thông trọng điểm, nhưng đến nay đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Nguyên nhân là do các dự án bất động sản gần đó rao bán đất nền với giá cao gấp nhiều lần so với đơn giá Nhà nước ban hành khi thu hồi đất, dẫn đến người dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.
TIN LIÊN QUAN
Quá nhiều khó khăn
Để đảm bảo công tác bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công cầu Cửa Đại, ngay khi dự án động thổ, các đơn vị liên quan đã tập trung thực hiện kiểm kê, áp giá đền bù và chi trả tiền bồi thường. Sau gần một năm thực hiện, đến nay đã bàn giao mặt bằng được 14,46/16,88ha (đạt 85,6%). Trong đó, đoạn qua địa bàn xã Tịnh Khê đã bàn giao mặt bằng 7,2/8,1ha, đoạn qua xã Nghĩa Phú đã thu hồi và bàn giao mặt bằng 7,26/8,78ha.
Công tác thi công hai bên đầu cầu, dự án cầu Cửa Đại gặp nhiều khó khăn do vướng mặt bằng. |
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (BQL) Lê Tới cho rằng, nhìn tổng quan thì khối lượng GPMB đạt được rất lớn. Song, thực tế phần mặt bằng sạch đã bàn giao đa phần là đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông. Trong khi 14,4% diện tích còn lại liên quan đến đất ở, nên các thủ tục thực hiện GPMB khó khăn hơn. Nguyên nhân chính khiến dự án gặp vướng mắc là nhiều hộ dân chưa đồng ý với mức giá đền bù đang được áp dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một vấn đề khiến cho công tác GPMB dự án cầu Cửa Đại gặp khó khăn là do một số dự án bất động sản gần vùng dự án triển khai bán đất nền, với giá khởi điểm cao gấp nhiều lần so với phương án giá mà Nhà nước ban hành, dẫn đến nhiều hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường bàn giao mặt bằng.
Công trình cầu Cửa Đại có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3.700m, trong đó chiều dài cầu là 1.876,8m, với tổng mức đầu tư là 2.250 tỷ đồng. Tổng diện tích quy hoạch toàn dự án là 16,88 ha. Tổng số hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng là 244 hộ, tổng số hộ dự kiến tái định cư là 105 hộ. |
Ông T, một hộ dân xã Nghĩa Phú nằm trong diện phải di dời nhà cửa nhường đất cho dự án cho rằng, cùng một vị trí đất nhưng các dự án bất động sản bán đất nền với giá từ 4-5 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù của Nhà nước quá thấp. “Cần phải đưa ra phương án giá đền bù hợp lý, chứ cùng một khu vực mà người dân chúng tôi nhận khoản đền bù chưa bằng một nửa so với dự án bất động sản thì quá bất cập”, ông T nói.
Tập trung hoàn thành GPMB
Theo báo cáo của BQL, việc xây dựng khu TĐC Khê Nam (Tịnh Khê) đến nay TP.Quảng Ngãi đã ban hành các thông báo thu hồi đất, hoàn thành kiểm kê, đo đạc hiện trường với tổng số 52 thửa đất/31 hộ dân, tổ chức và có 121 mồ mả bị ảnh hưởng cần di dời. Nhưng UBND tỉnh mới chỉ thống nhất điều chỉnh cục bộ nên chưa có cơ sở để thực hiện. Ngoài ra, có 36 thửa đất không có giấy tờ nên phải mất thời gian khá lâu, để xác định quyền sở hữu hợp pháp mới có thể thực hiện phương án đền bù. Đối với khu cải táng mồ mả Khê Trung vẫn chưa thể thi công, do mới trình TP.Quảng Ngãi thẩm định và phê duyệt hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 1/500 để chuyển từ đất cây xanh sang đất nghĩa trang.
Đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Phú, ngoài vướng mắc đất ở thì việc triển khai xây dựng khu tái định cư Vĩnh Thọ mới thực hiện xong công tác kiểm đếm, đo đạc hiện trường, với số lượng 71/74 thửa đất/42 hộ dân, tổ chức và 24 mồ mả. Hiện còn 3 thửa đất chưa tiến hành kiểm kê hiện trường được, vì các hộ dân không hợp tác.
“Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, BQL đã phối hợp với UBND TP.Quảng Ngãi trình UBND tỉnh xin cơ chế áp giá đền bù mới tương xứng với mức sinh lợi, vị trí đất mà người dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng và đến nay đã được UBND tỉnh cho phương án giá đền bù mới. Tuy vậy, để hoàn thành công tác GPMB cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền sở tại, UBND TP.Quảng Ngãi cũng như sự hợp tác của người dân”, ông Lê Tới cho biết.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC