Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Cần sự định hướng rõ ràng

04:06, 06/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất là nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả sản xuất ở một số địa phương còn thấp.

TIN LIÊN QUAN

Chủ động chuyển đổi

Sau 3 năm chuyển sang trồng bắp trên diện tích lúa có nguy cơ thiếu nước, ông Nguyễn Thư, ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) cho biết, hiệu quả từ trồng bắp cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa.

 Ruộng bắp đạt năng suất cao của ông Nguyễn Thư, ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức).
Ruộng bắp đạt năng suất cao của ông Nguyễn Thư, ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức).


Theo ông Thư, trước đây, ba sào đất sản xuất lúa của ông cho năng suất thấp, do thiếu nước. Do đó, vụ hè thu 2015, ông chuyển một sào đất lúa sang trồng bắp theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã. Kết quả, năng suất bắp khô đạt 500-550kg, hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, ông  mạnh dạn chuyển số diện tích còn lại sang trồng bắp. “Ba năm qua, đến vụ hè thu, xã chuyển trên 30ha đất sản xuất lúa không chủ động được nguồn nước sang trồng bắp và đã đạt hiệu quả kinh tế cao”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thắng Nguyễn Tấn Việt cho biết.

Theo Sở NN&PTNT, vụ sản xuất hè thu 2018 có nguy cơ thiếu nước ở cuối vụ, nên đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi 1.147ha diện tích đất lúa có nguy cơ thiếu nước sang trồng bắp, mè, đậu các loại. Đối với cây màu và cây công nghiệp, cần xác định nhu cầu thị trường để chọn giống, quy mô sản xuất, chủ động liên kết trong sản xuất.

Cần quy hoạch vùng

Việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn được ngành nông nghiệp triển khai nhiều năm qua, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Nguyên nhân, do nông dân và một số địa phương làm theo kiểu “thích gì trồng nấy”, chưa sản xuất theo nhu cầu thị trường, diện tích chuyển đổi nhỏ lẻ, công tác quản lý ngành còn hạn chế. Chính vì vậy mà một số địa phương đã xảy ra tình trạng diện tích lúa chủ động nước tưới nhưng người dân lại chuyển sang trồng ớt, dưa hấu.

Lãnh đạo các địa phương này cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do chưa quy hoạch vùng chuyển đổi tương ứng với các loại cây trồng; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ diễn ra theo mùa, thiếu bền vững. Chủ tịch UBND xã Bình An (Bình Sơn) Võ Hồng Thắng đề xuất: “Các ngành chức năng cần đánh giá, xác định cụ thể vùng, khu vực sản xuất từng loại cây trồng, giúp người dân chủ động trong sản xuất, tránh tình trạng sản xuất không tập trung".

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng, chính quyền các địa phương có nhiệm vụ xác định vùng, diện tích chuyển đổi; còn ngành nông nghiệp chỉ định hướng các loại cây trồng có tiềm năng thay thế cây lúa. Thực tế, công tác quy hoạch vùng chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, vì đồng ruộng “mỗi nơi một kiểu”, nhu cầu sản xuất của người dân cũng khác nhau.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.