Bình Sơn: Dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng

07:02, 24/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, huyện Bình Sơn đã mạnh dạn trong công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai.

TIN LIÊN QUAN

Đi đầu trong công tác DĐĐT là xã Bình Dương. Sau 3 năm triển khai, đến nay tổng diện tích đã thực hiện gồm 234ha đất sản xuất lúa và 110ha đất hoa màu. Qua công tác thực hiện DĐĐT, người nông dân tham gia sản xuất thuận lợi hơn, khắc phục được tình trạng canh tác manh mún, tạo điều kiện để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.

Cánh đồng mẫu lớn ở xã Bình Thới.
Cánh đồng mẫu lớn ở xã Bình Thới.

Vụ đông xuân 2013-2014, được sự hỗ trợ của ngân sách tỉnh và huyện, xã Bình Dương đã xây dựng sản xuất cánh đồng mẫu lớn (CĐML) quy mô 150ha, sử dụng giống lúa lai Suy6 và các giống lúa thuần chất lượng HT1, SH2. Kết quả vụ đông xuân 2013-2014 trên CĐML, năng suất lúa lai đạt bình quân trên 75 tạ/ha, lúa thuần đạt trên 63 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa đại trà 2-15 tạ/ha (đại trà bình quân đạt 60 tạ/ha).

Theo hạch toán hiệu quả kinh tế của bà con nông dân tham gia mô hình cho thấy, ruộng trong mô hình CĐML cho tổng thu 38-45 triệu đồng/ha. Trong đó, đối với lúa lai là 45 triệu đồng/ha, đối với lúa thuần trên 38 triệu đồng/ha, đối với ruộng đại trà 24,5 triệu đồng/ha. Trừ chi phí các loại vật tư và công lao động, nông dân lãi từ 14,4-17 triệu đồng/ha, trong khi đó ruộng đại trà lãi bình quân 11,5 triệu đồng/ha. Rút kinh nghiệm từ những năm trước nên trong năm 2014, Bình Dương đã DĐĐT trên cả diện tích lúa và diện tích màu để cho người dân tự lựa chọn. Theo đó, những diện tích trước đây trồng lúa không hiệu quả, sau khi DĐĐT sẽ chuyển sang trồng các cây hoa màu như ớt, bí, bắp…

Trong vụ đông xuân 2014-2015, ngoài xã Bình Dương, huyện Bình Sơn đã có thêm xã Bình Thới sản xuất lúa, hoa màu trên diện tích đã DĐĐT. Dự án được thực hiện tại xóm 5, thôn Giao Thủy với 78 hộ tham gia với hơn 22ha, kinh phí thực hiện khoảng 350 triệu đồng.

Ông Trịnh Văn Trường - Phó Chủ nhiệm HTX Bình Thới cho biết: Trước đây khi chưa quy hoạch, những hộ nằm ở xa đường giao thông phải vác lúa 300m. Việc đi lại thăm đồng, lấy nước cũng vô cùng vất vả. Còn giờ đây, trong vùng quy hoạch đã xây dựng mới được 8 tuyến đường, có tổng chiều dài gần 1.800m, bề rộng mặt đường từ 3-3,5m. Khối lượng đất đắp là 2.807m3, mở mới 23 tuyến mương tưới và 5 tuyến mương tiêu với tổng chiều dài 4.234m. Đồng thời xây dựng được 2 cầu dân sinh bắt qua tuyến kênh B3-2 phục vụ người dân đi lại sản xuất.

Theo ông Trường, việc DĐĐT thành công đã giúp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thuận lợi hơn. Mỗi hộ dân đều có thể chủ động chuyển đổi cây trồng mà không còn phụ thuộc như trước nữa. Bà con không còn phải thức khuya để tranh giành nước tưới, đặc biệt là không còn phải lo hoa màu sẽ bị ngập úng bởi hệ thống tưới tiêu đã được đảm bảo.

Để công tác DĐĐT đi vào lòng dân và tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã không phải dễ. Chính quyền và người dân đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc đối thoại để tháo gỡ khúc mắc. Tuy nhiên, sau khi tham gia, nhận thấy những lợi ích từ DĐĐT mang lại, nên giờ bà con xã viên thích lắm, mọi người tranh nhau làm chứ không còn phải vận động, tuyên truyền như lúc mới làm nữa. Đây cũng là tiền đề cơ sở để Bình Thới tiếp tục thực hiện DĐĐT ở KDC số 3 với quy mô 33 ha trong thời gian tới.

 DĐĐT là thiết kế lại đồng ruộng, hiện đại hóa sản xuất, giúp nông dân từng bước xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu một cách cơ bản, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế- xã hội và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Vì vậy, huyện Bình Sơn đã chủ trương trong thời gian tới sẽ tiến hành triển khai ở tất cả 24 xã trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.