Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Hướng đến đa dạng hóa và hiệu quả

09:04, 05/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đất bị nước mặn xâm nhập và thoái hóa. Giá lúa giảm... Những yếu tố này đã và đang khiến người trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí tăng, hiệu quả thấp. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là quyết sách kịp thời của ngành nông nghiệp, được nông dân đồng tình, hưởng ứng...

Nhiều vùng sản xuất lúa không hiệu quả

Những năm đầu thập niên 1980, 1990, phát triển cây lúa được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Và từ chỗ thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cho đến nay, cũng bởi tâm lý của đại bộ phận nông dân luôn xem cây lúa là ưu tiên số 1, nên không ít loại cây trồng dù mang lại hiệu quả cao hơn lúa nhiều lần vẫn bị nông dân quay lưng. Thậm chí, nhiều diện tích đất lúa ở chân cao thiếu nước tưới, canh tác khó khăn tốn kém, nguy cơ mất mùa thường trực... nhưng nông dân vẫn nhất quyết trồng lúa, không chuyển đổi. Đó là chưa kể, người dân ở các địa phương miền núi hiện nay còn bỏ công sức, tiền của khai hoang đất đồi làm ruộng trồng lúa, dù những khu vực này không phù hợp với cây lúa. Vì vậy, diện tích sản xuất lúa của tỉnh liên tục tăng qua từng năm và hiện đạt trên 38.000ha/vụ. Trong số này, có hơn 800ha sản xuất lúa kém hiệu quả.

Đã đến lúc phải chuyển đổi những diện tích lúa
Đã đến lúc phải chuyển đổi những diện tích lúa "trên đồi" kém hiệu quả sang loại cây trồng khác.

 

Giảm đất lúa vẫn không lo thiếu gạo   

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 3 vừa qua. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa cả nước theo quy hoạch được Quốc hội phê duyệt là trên 3,8 triệu ha. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi của khí hậu cũng như giá lúa gạo thế giới biến động, Chính phủ đề nghị điều chỉnh diện tích trồng lúa đến năm 2020 còn hơn 3,76 triệu ha (giảm 52.000ha so với Nghị quyết Quốc hội). Trong số 3,76 triệu ha đất lúa giữ lại, Chính phủ đề nghị dành 400.000ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.

Cũng theo Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, với diện tích đất trồng lúa còn lại nếu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất sẽ đưa năng suất lúa bình quân hằng năm lên khoảng 60 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm (bình quân khoảng 420 kg/người/năm) là bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai.            

Theo nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp, số diện tích sản xuất lúa cần chuyển đổi sẽ ngày càng tăng do tác động của lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và thoái hóa đất. Song, vấn đề đặt ra là, khi diện tích lúa giảm, mỗi địa phương phải xác định cho mình loại cây trồng đáp ứng điều kiện chịu hạn, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao. Ví dụ như tại huyện miền núi Minh Long, mỗi vụ, địa phương này có đến hàng trăm héc-ta lúa chân cao, thiếu nước nên năng suất chưa đến 45 tạ/ha. Sau thời gian dài tìm kiếm, huyện Minh Long khuyến khích nông dân phát triển cây cà gai leo thay vì cố bám trụ và mở rộng diện tích lúa. “Hiệu quả của cà gai leo cao gấp đôi, gấp ba cây lúa. Hơn nữa, huyện có nhà máy thu mua và chế biến loại dược liệu này nên việc tiêu thụ thuận lợi, người dân cũng yên tâm”, ông Đinh Văn Điết - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long, cho biết.

...nhưng cần chọn cây trồng phù hợp

Trong khi nông dân một số địa phương “đánh bạc” với cây lúa bằng cách trồng chúng trên đồi, vùng đất cát hoặc quanh vườn nhà thì tại xã Bình Hải (Bình Sơn), bà con nông dân lại bằng lòng với con số 62,5ha lúa, chứ không mở rộng diện tích bằng mọi giá. Lý do, với chân đất ba-zan, người dân Bình Hải đã tận dụng trồng tiêu xen cây gỗ để giảm chi phí đầu tư. Hơn thế nữa, cây tiêu được xếp vào diện “trồng một lần, thu nhiều lần” nên dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng hiệu quả mà loại cây này mang lại rất cao. “Chỉ riêng vụ đầu, mỗi sào tiêu đã mang lại cho nông dân từ 45– 50 triệu đồng, cao gấp 10 – 15 lần lúa”, ông Phạm Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải khẳng định.

 Cùng hướng phát triển này, những năm qua, người dân các xã Phổ Vinh, Phổ Khánh, Phổ Cường (Đức Phổ) đã quan tâm nhiều đến cây tiêu. Theo chia sẻ của ông Thạch Cảnh Quân, ở xã Phổ Vinh, người đầu tiên chuyển từ trồng lúa sang trồng tiêu thì hiện tại, mỗi năm mảnh đất trồng lúa ngày nào giờ trồng tiêu đã mang về cho ông lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng, chứ không phải 5 – 10 bao lúa như trước.

Hiệu quả bước đầu về chuyển đổi cây trồng đã góp phần rất lớn vào việc thay đổi thói quen sản xuất của nông dân, giúp họ yên tâm và mạnh dạn phá thế độc canh cây lúa. Tuy nhiên, tùy đặc điểm, điều kiện từng vùng mà mỗi địa phương lựa chọn loại cây trồng phù hợp để khuyến khích nông dân. Đơn cử như huyện Bình Sơn, địa phương có diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả nhiều nhất tỉnh (hơn 770ha) cũng xác định “mỗi vùng trồng một cây”. Ngoài cây tiêu tại Bình Hải, Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn đã nghiên cứu và hướng dẫn nông dân xã Bình Thạnh trồng gừng hoặc tỏi, xã Bình Minh phát triển cây ăn quả, xã Bình Châu đầu tư cho cây nén hay nghệ... “Sự đa dạng hóa chủng loại cây trồng như thế, sẽ giúp nông dân tránh rơi vào cảnh ứ đọng sản phẩm, tạo tiền đề hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, thay vì cứ mãi độc canh cây lúa như lâu nay”, ông Phan Diệp - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn nói.
 

*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với quy hoạch, bố trí cây trồng phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển”.

Mục tiêu của chuyển đổi cây trồng là nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân. Muốn làm được điều này, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương phải phân tích, xác định rõ đặc tính, hiệu quả và nhu cầu thị trường của các loại cây trồng có khả năng thay thế lúa. Từ đó mới xác định cụ thể diện tích, quy hoạch vùng và bố trí cây trồng phù hợp. Việc thực hiện phải theo lộ trình, đồng bộ và khoa học, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, hiệu quả cầm chừng, không rõ nét khiến nông dân nghi ngại, mất lòng tin.

*Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân: “Giảm đất lúa là cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Không thể phủ nhận vai trò của cây lúa trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Song, với việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp năng suất lúa liên tục tăng, kéo theo nguồn cung dư thừa, giá bán sụt giảm. Do đó, thay vì cứ mãi “bám” vào lúa, đã đến lúc chúng ta mạnh dạn phá thế độc canh loại cây này. Như thế thì các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn mới có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, với những vùng sản xuất lúa trọng điểm, tỉnh cũng phải có chính sách ưu tiên, hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, nhằm “bù” vào số diện tích bị tinh giảm để không bị thiếu hụt lương thực cục bộ.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA

                                                                          
 


.