(Báo Quảng Ngãi)- Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn ở Quảng Ngãi ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công có hạn; một số địa phương gặp khó trong huy động vốn, nhưng quyết định đầu tư nhiều công trình, dẫn đến gia tăng nợ đọng.
Đến nay, toàn tỉnh có 41 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và huyện Nghĩa Hành đang trình Ban Chỉ đạo Chương trình NTM Trung ương thẩm định công nhận là huyện đạt chuẩn NTM.
Thấp thỏm với nợ
Để được công nhận xã đạt chuẩn NTM cuối năm 2015, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã đầu tư xây dựng 80 công trình, với tổng kinh phí trên 54 tỷ đồng. Hiện nay xã còn nợ vốn đối ứng 3 tỷ đồng. Để xử lý khoản nợ trên, UBND xã Hành Minh đã huy động doanh nghiệp thi công công trình ủng hộ 50%, phần còn lại huy động nhân dân đóng góp 200.000đồng/hộ/năm (trừ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, già cả neo đơn...). Với mức đóng góp trên thì đến năm 2025 xã mới trả xong khoản nợ 1,5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn xây dựng NTM , thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) được đầu tư điểm sinh hoạt văn hóa. Ảnh: BẢO HÒA |
Đầu năm 2017, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), cũng được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xã còn nợ gần 950 triệu đồng trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi và chợ. Để trả khoản nợ trên, xã cũng dự kiến huy động nhân dân và phấn đấu đến năm 2019 sẽ trả xong.
Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long cho biết, nguyên nhân phát sinh nợ là do chính quyền các địa phương đầu tư công trình dàn trải, gặp khó khăn trong huy động vốn, dẫn đến không có nguồn để bố trí vốn đối ứng, công tác quản lý vốn còn lỏng lẻo...
Đến cuối tháng 3.2018, tổng nguồn vốn bố trí cho Chương trình xây dựng NTM trên 681 tỷ đồng. Trong đó, bố trí trên 47 tỷ đồng để thanh toán nợ từ năm 2016 trở về trước (phần nợ thuộc cơ cấu vốn của tỉnh và trung ương). Hiện nay, số nợ trong xây dựng NTM ở Quảng Ngãi trên 160 tỷ đồng, trong đó tỉnh nợ gần 50 tỷ đồng, còn lại là của huyện và xã. |
Gặp khó trong tìm nguồn trả nợ
Trong khi chờ Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM, Nghĩa Hành cũng nỗ lực giải quyết khoản nợ 30 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa, giao thông và thủy lợi.
Theo lãnh đạo huyện, khoản nợ này là do giai đoạn 2012 - 2015, huyện có đến 5 xã thuộc diện ưu tiên đầu tư để đạt chuẩn NTM đúng kế hoạch. Vì vậy, số lượng công trình đầu tư nhiều, trong khi nguồn lực của huyện và địa phương có hạn, nên phát sinh nợ. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết, để trả hết 30 tỷ đồng vào cuối năm 2019, huyện chỉ biết trông vào nguồn thu từ quỹ đất và kết dư ngân sách.
Đối với huyện Tư Nghĩa, nhờ nguồn thu từ khai thác quỹ đất, nên phần vốn đối ứng của địa phương để thực hiện đầu tư đã được hoàn trả. Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Huỳnh Ngọc Quận cho biết, hiện đang kiến nghị bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉnh khoảng 16 tỷ đồng để trả nợ cho các đơn vị thi công.
Với huyện Mộ Đức, việc phát sinh khoản nợ hơn 12 tỷ đồng là do “cầm đèn chạy trước ô tô”. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân kiến nghị: “Tỉnh cần xem xét hỗ trợ kinh phí để huyện xử lý khoản nợ trên”. Cuối năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 10 về thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương và Đề án phát triển giao thông nông thôn; trong đó quy định tỷ lệ góp vốn của cấp tỉnh, huyện và xã.
Tuy nhiên, quyết định này sau đó không được HĐND tỉnh thông qua. Trong khi trước đó, UBND huyện Mộ Đức đã cho chủ trương các xã được chọn điểm xây dựng NTM huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kênh mương. Ông Nhân cho rằng, số tiền nợ trên 12 tỷ đồng là phần vốn của tỉnh theo Quyết định số 10 của UBND tỉnh.
Bài, ảnh: T.THẢO-B.HÒA