Xây dựng nông thôn mới: Chênh lệch giữa các vùng

04:05, 22/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo và đời sống người dân khu vực nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 24 xã đạt 19 tiêu chí, 17 xã đạt 15-18 tiêu chí, 58 xã đạt 10-14 tiêu chí, 39 xã đạt 5-9 tiêu chí và 26 xã đạt dưới 5 tiêu chí của NTM. Đối với 6 huyện miền núi, hầu hết các xã đều đạt dưới 5 tiêu chí và chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí.

Miền núi đuối sức

“Xây dựng NTM là chương trình ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhưng với huyện miền núi Sơn Tây, tiến trình xây dựng NTM gặp quá nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đạt chuẩn NTM nằm ngoài khả năng của các địa phương trong huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven chia sẻ.

Nếu không thay đổi phương thức canh tác, mắc ca cũng khó trở thành
Nếu không thay đổi phương thức canh tác, mắc ca cũng khó trở thành "cây thoát nghèo" của người dân huyện Sơn Tây.


Để được công nhận xã đạt chuẩn NTM, các xã phải hoàn thành 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, hai xã điểm của huyện Sơn Tây là Sơn Tinh và Sơn Mùa hiện chỉ đạt 4-5 tiêu chí. Các tiêu chí đạt chủ yếu là hệ thống chính trị, xã hội, thiết chế văn hóa... Còn các tiêu chí như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất... thì lãnh đạo các địa phương trên cho rằng: “Không biết đến bao giờ mới đạt”.

Theo quy định của Chính phủ, giai đoạn 2017-2020, xã đạt chuẩn NTM phải có thu nhập bình quân đầu người từ 31-41 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, hình thức tổ chức sản xuất là HTX chứ không phải là tổ hợp tác. Đây được xem là những rào cản rất lớn đối với các xã miền núi nói chung, xã Sơn Mùa và Sơn Tinh nói riêng. Bởi hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Sơn Mùa, Sơn Tinh chỉ đạt 5-7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 70-80%, các hình thức tổ chức sản xuất cũng chưa có. Vì vậy, mục tiêu đạt chuẩn NTM vào năm 2020 của hai xã này xem ra rất mong manh.

Nỗ lực từ nhiều phía

Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương, đặc biệt là các xã miền núi trong tiến trình xây dựng NTM, mới đây Bộ NN&PTNT triển khai lồng ghép chương trình vườn mẫu và mỗi thôn, làng một sản phẩm. Thực hiện chủ trương này, huyện Sơn Tây cũng xác định 3 loại cây chủ lực sẽ được tập trung phát triển trong thời gian tới là bơ, mắc ca và keo.

“Sau thời gian thử nghiệm, những loại cây này phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện Sơn Tây, cộng với thị trường tiêu thụ ổn định, nên hứa hẹn sẽ là “cây thoát nghèo” cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven khẳng định.

Vấn đề đặt ra là khâu tổ chức và chuyển giao quy trình kỹ thuật, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Đơn cử như việc trồng cây mắc ca. Sau 30 tháng trồng thử nghiệm, 6ha mắc ca tại các xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Bua phát triển tốt. Một số cây bắt đầu ra quả bói. Nhưng vì thiếu sự chăm sóc, mắc ca phải cạnh tranh sự sống với các loại cỏ tranh, nên nhiều cây còi cọc, chậm lớn.

Không chỉ Sơn Tây, các huyện miền núi trong tỉnh cũng loay hoay tìm hướng thoát nghèo, tăng thu nhập cho người dân trong quá trình xây dựng NTM. Bởi ngoài cây keo, các địa phương cũng chưa xác định được đối tượng cây, con chủ lực để tập trung phát triển. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, sự hỗ trợ của cấp trên thì vấn đề cốt yếu là phải thay đổi nhận thức và phương thức canh tác của người dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.