Nguy cơ "lõm" nông thôn mới

04:08, 01/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã  triển khai rộng khắp. Từ đồng bằng, trung du đến miền núi, hải đảo. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên và xuất phát điểm thấp, nên một số xã miền núi và ven biển khá chật vật khi thực hiện chương trình này.

TIN LIÊN QUAN

Rớt tiêu chí NTM

So với cuối năm 2016, hiện nay bình quân đạt 11,07 tiêu chí NTM/xã, tăng 0,19 tiêu chí. Tuy nhiên, đối với các huyện miền núi như Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, các tiêu chí bình quân/xã tuy ổn định và tăng, nhưng số xã đạt dưới 5 tiêu chí vẫn không giảm. Toàn tỉnh có 19 xã đạt dưới 5 tiêu chí thì huyện Tây Trà có 8 xã, Ba Tơ 6 xã, Sơn Tây 4 xã và Sơn Hà 1 xã.

 Diện tích eo hẹp nên việc hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng tiêu chí NTM cũng là thách thức lớn đối với các xã miền núi, ven biển.
Diện tích eo hẹp nên việc hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng tiêu chí NTM cũng là thách thức lớn đối với các xã miền núi, ven biển.


Đến thời điểm này, huyện Sơn Tây chỉ có xã Sơn Dung và Sơn Tinh đạt 6- 7 tiêu chí. Các xã còn lại đạt 3- 5 tiêu chí. Các tiêu chí đạt chủ yếu là quy hoạch, điện, thông tin truyền thông, hệ thống chính trị và quốc phòng, an ninh.

Trong khi đó, một số xã của huyện Minh Long và Sơn Tịnh lại xảy ra tình trạng “rớt” tiêu chí NTM. Như huyện Minh Long chưa có xã nào đạt 13 tiêu chí; rồi số tiêu chí bình quân/xã giảm từ 10 vào cuối năm 2016 còn 9,8 vào cuối tháng 6.2017, do xã Long Sơn bị rớt tiêu chí số 6 về văn hóa và tiêu chí số 19 về an ninh quốc phòng; còn xã Long Hiệp thì rớt tiêu chí số 12 về lao động có việc làm. Còn hàng loạt xã miền núi của huyện Sơn Tịnh như Tịnh Trà, Tịnh Thọ, Tịnh Bình, Tịnh Hiệp, Tịnh Sơn... cũng rớt 1- 2 tiêu chí. Điều này khiến Sơn Tịnh có số tiêu chí bình quân/xã hiện chỉ đạt 11,55, giảm 1,55 so với cuối năm 2016.

Nguy cơ “lõm” NTM

Cùng với các xã miền núi, các địa phương ven biển và huyện đảo Lý Sơn cũng chật vật trong quá trình xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho rằng, bên cạnh những yếu tố chủ quan như nguồn lực eo hẹp, người dân chưa tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào chung sức xây dựng NTM, thì một số tiêu chí không phù hợp với điều kiện địa hình, đặc điểm sản xuất của địa phương.

Đơn cử như tiêu chí kênh mương, thủy lợi. “Lý Sơn là huyện đảo, diện tích đất sản xuất eo hẹp. Hơn nữa, nông dân chỉ trồng hành, tỏi và đậu, không tổ chức sản xuất nông nghiệp như các địa phương trong tỉnh, thì lấy đâu diện tích để quy hoạch, kiên cố kênh mương?”, bà Hương đặt vấn đề.

Cùng với tiêu chí kênh mương, thủy lợi, lãnh đạo các huyện miền núi như Sơn Tây, Tây Trà cũng cho rằng: “Một số tiêu chí như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, dồn điền đổi thửa, tổ chức sản xuất... cũng chưa phù hợp với điều kiện và đặc thù miền núi”. Mặc dù có tổ chức sản xuất nông nghiệp, nhưng với địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, diện tích nhỏ, nên việc kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa rất khó khăn. Nếu thực hiện sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí.

Hơn nữa, điều kiện tự nhiên và tập quán, phương thức, trình độ sản xuất của người dân miền núi, ven biển chưa sánh kịp với đồng bằng, trung du và thành thị. Vì vậy, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn còn thấp, thu nhập bấp bênh. “Vậy nhưng tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập giữa các vùng lại ngang nhau là điều bất hợp lý. Chúng tôi mong muốn tỉnh kiến nghị trung ương xem xét, điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp, tránh tình trạng xã miền núi trở thành “vùng lõm” của NTM”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Thanh Tùng bày tỏ.   
 

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.