Đồng bào vùng cao vào vụ khai thác keo

09:01, 28/01/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Tết đến xuân về là dịp để người dân khắp nơi sửa soạn mua sắm. Tại các huyện miền núi, để có tiền trang trải trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhiều gia đình đang tích cực khai thác keo, kiếm thêm thu nhập.
 
 
Những ngày này, dọc các tuyến đường chính lên vùng cao Quảng Ngãi, người đi đường dễ dàng bắt gặp cảnh khai thác keo ở nhiều cánh rừng. Gia đình anh Đinh Văn Phú ở thôn Lạc Hạ, xã Long Sơn (Minh Long) đang tích cực kêu xe tải từ các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu đến chở hơn 2ha keo đang đến độ thu hoạch.
 
Theo anh Phú, giá keo năm nay xuống thấp so với những năm trước, chỉ vào khoảng 900 nghìn- 1 triệu đồng/tấn. Nên 2ha keo, khi trừ đi tất cả chi phí mua giống và chăm sóc của 2 năm đầu trồng khoảng hơn 50 triệu đồng, gia đình anh thu về khoảng gần 70 triệu đồng, giảm một nửa so với kỳ thu hoạch trước.

 

Hiện giá keo đang xuống thấp nhưng nhiều gia đình vẫn khai thác để kiếm tiền trang trải dịp Tết
Hiện giá keo đang xuống thấp nhưng nhiều gia đình vẫn khai thác để kiếm tiền trang trải dịp Tết
 
“Nhưng đang lúc cận Tết thì số tiền ấy đủ để tôi trả nợ, mua thêm trâu, bò, mua sắm một số vật dụng mới trong nhà và mua quần áo mới cho các con. Đó là thành quả của 5 năm năm trồng keo đợi đến ngày thu hoạch”- anh Phú chia sẻ.
 
Hiện toàn tỉnh có diện tích nguyên liệu gỗ gần 230 nghìn ha, chủ yếu là gỗ keo. Trung bình mỗi năm khai thác hơn 38 nghìn ha với sản lượng gỗ khoảng 3,8 triệu mét khối. Vụ khai thác keo của năm mới đã bắt đầu nên không khí lao động ở nhiều cánh rừng vô cùng nhộn nhịp.
 
Riêng ở Minh Long, trong năm 2017, huyện đã trồng mới trên 1.230 ha rừng, chủ yếu là cây gỗ keo. Mặc dù việc xuất khẩu gặp khó khăn, giá gỗ keo hạ, nhưng toàn huyện đã khai thác 60.500 m3 gỗ.
 
Những năm qua, cây gỗ keo là một trong những nguồn thu chính để các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trang trải, mua sắm. Nông dân vùng cao cũng đã có ý thức hơn việc tái đầu tư để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống của mình sau vụ khai thác keo.
 
Chị Phạm Thị Thu ngụ ở xã Ba Tô, Ba Tơ cũng vừa thu hoạch 1ha keo và kiếm được hơn 40 triệu đồng. Chị Thu chia sẻ: “Nhà đang gặp khó mà có số tiền như vầy thì đỡ lắm. Tết này mình có thể sửa nhà, mua phân bón cho vụ lúa mới, mua thêm con bò và còn dư thì tiêu Tết”.

 

Những năm qua, cây keo trở thành một trong những nguồn thu chính của các hộ đồng bào vùng cao
Những năm qua, cây keo trở thành một trong những nguồn thu chính của các hộ đồng bào vùng cao
 
Cây keo đã giúp đồng bào vùng cao có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhờ có cây keo nên sau khi khai thác bán gỗ, đồng bào có tiền để xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng. Những năm gần đây, đồng bào H’rê Ba Tơ cũng phát triển mạnh gỗ keo nguyên liệu. Trong năm 2017, toàn huyện Ba Tơ đã khai thác trên 600.000 m3 gỗ keo.
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 26 doanh nghiệp thu mua và chế biến dăm gỗ keo cho bà con. Trước đây, các doanh nghiệp thu mua cả gỗ keo non do việc xuất khẩu dăm còn khá dễ dàng. Nhưng trong thời gian gần đây, việc xuất khẩu gỗ keo gặp khó khăn nên các doanh nghiệp không còn thu mua gỗ keo non mà chỉ thu mua gỗ keo trồng 5 năm tuổi trở lên.
 
Yêu cầu về thu mua gỗ keo ngày một chất lượng hơn, đòi hỏi những hộ trồng rừng phải chú trọng đến việc trồng rừng theo đúng mật độ từ 2.500 cây đến 3.000 cây/ ha. Đồng thời, thực hiện chăm bón cây từ khi trồng đến 2 năm tuổi cũng như khai thác gỗ keo phù hợp để năng suất rừng trồng đạt 120 tấn trở lên mới có lãi.
 
Do vậy, bà con cần hạn chế khai thác keo non để bán lấy tiền trong dịp Tết làm giảm sản lượng gỗ. Vấn đề này cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng rừng và thu nhập khi bà con khai thác quá dày.
 
Bài, ảnh: An Điền
 

 


.